Giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn La: Tránh bất cập như Đà Lạt

Bình luận · 22 Lượt xem

Tiềm năng lớn, hiệu quả cao, song việc phát triển nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn La cần quy hoạch bài bản để tránh những bất cập như Đà Lạt.

Đầu tư cao, lợi nhuận bền vững

Hợp tác xã công nghệ cao Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nằm sâu trong thung lũng. Hợp tác xã (HTX) có 8 hộ gia đình tham gia canh tác ớt ngọt, cam canh và mận hậu. Trong đó, diện tích nhà lưới khoảng 6.000m2.

Anh Vũ Văn Hiệu (35 tuổi) - Giám đốc HTX nuôi hi vọng đưa cả xã Tân Lập trở thành vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, cùng 33 hộ dân khác trong Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” thực hiện ý tưởng biến Mộc Châu thành vùng trồng rau quả tập trung. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận cho Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN-PTNT) thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Nhà màng ứng dụng công nghệ cao đang chứng minh hiệu quả vượt trội khi cùng một diện tích canh tác nhưng lợi nhuận thu về lại cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu lớn khiến HTX công nghệ cao Tân Lập chọn hướng mở rộng dần từng bước.

Cuối năm 2022, khi ấp ủ dự định xây dựng nhà lưới, anh Hiệu đã tìm hiểu về mô hình trồng ớt chuông hiệu quả ở khu vực lân cận. “Đi khắp cả Mộc Châu, ở đâu cũng thấy nhà màng của Dự án” - vị giám đốc trẻ đã không khỏi ấn tượng trước thiết kế hiện đại, trang bị lưới chắn côn trùng và lưới cắt nắng vượt trội so với những nhà lưới tự chế của nông dân địa phương.

Mặc dù không nằm trong danh sách đầu tư ban đầu của Dự án, may mắn đã mỉm cười với anh Vũ Văn Hiệu khi anh là một trong những hộ dân được chọn tham gia vào giai đoạn hai. Nhờ đó, HTX công nghệ cao Tân Lập xây dựng được 1.836m2 nhà màng, mở rộng từ 2.000m2 nhà lưới sẵn có.

Ông Kim Hyunwoo - Tùy viên Nông nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (phải) phấn khởi trước những lợi ích mà Dự án mang lại cho HTX công nghệ cao Tân Lập. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Kim Hyunwoo - Tùy viên Nông nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (phải) phấn khởi trước những lợi ích mà Dự án mang lại cho HTX công nghệ cao Tân Lập. Ảnh: Quỳnh Chi.

Năm đầu tiên, HTX được hỗ trợ giống ớt chuông sử dụng kỹ thuật ghép cải tiến có ưu điểm chống chịu bệnh tốt, đậu quả cao, hình dạng và chất lượng quả đồng đều. Anh Hiệu trực tiếp tham gia các buổi tập huấn trong khuôn khổ Dự án. Nhờ đó, anh nắm được kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, dùng chế phẩm Trichoderma tưới gốc cây… và truyền lại kỹ thuật cho bà con trong HTX.

Nhờ có diện tích nhà màng đầu tiên và hỗ trợ kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản, các thành viên HTX bước đầu cải thiện được kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu nguồn cung ổn định, HTX mong muốn mở rộng thêm diện tích nhà màng để cung ứng sản phẩm dồi dào, ổn định cho thị trường đồng bằng.

Vụ ớt chuông đầu tiên có sản lương 18 tấn, giá bình quân 30.000đ/kg, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Từ thành công đó, anh Vũ Văn Hiệu đã tiếp tục xây dựng thêm 2.000m2 nhà màng trồng cà chua, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp thông minh.

Theo các cán bộ của Dự án, anh Hiệu là hạt nhân ở xã Tân Lập được kỳ vọng sẽ xây dựng nhà lưới, nhà màng của mình trở thành mô hình điểm, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ dân lân cận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ này, cần có sự chung tay từ chính quyền địa phương, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tránh những bất cập như Đà Lạt

Theo các cán bộ kỹ thuật của Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”, việc hình thành vùng tập trung sản xuất rau công nghệ cao là tầm quản lý vĩ mô, thuộc về các cấp chính quyền của tỉnh Sơn La.

Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp của địa phương chủ yếu dành cho cây chè, đồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, cây dâu tằm và các loại cây ăn quả như mận, nhãn, na…. Đất cho sản xuất rau rất nhỏ, đặc biệt chưa có quy hoạch cho khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai và vị trí địa lý, trong vòng 5 - 10 năm nữa, diện tích nhà lưới, nhà màng của Mộc Châu sẽ không ngừng tăng lên.

FAO đề xuất tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con đầu tư nhà lưới, nhà màng canh tác rau quả công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Chi.

FAO đề xuất tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con đầu tư nhà lưới, nhà màng canh tác rau quả công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Chi.

Do đó, cần thiết có quy hoạch bài bản để tránh những bất cập không đáng có như Đà Lạt hiện nay (phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường…). Song song với việc quy hoạch, cần phải nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng (đường sá, điện nước, kho chứa, thu mua, sơ chế) để hỗ trợ bà con phát triển vùng tập trung sản xuất rau công nghệ cao.

FAO đề xuất tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con vì đầu tư nhà lưới, nhà màng cần nguồn vốn lớn. Trong khi đa số bà con mới ở mức sản xuất nhỏ, chưa đủ lực đầu tư mở rộng. Sau khi hình thành nhà màng, nhà lưới, cần tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nông hộ, HTX về kỹ năng quản lý, vận hành nhà lưới, nhà màng và các quy trình công nghệ cao chăm sóc cây trồng trong nhà lưới.

Bên cạnh đó, kết nối giữa cơ quan quản lý địa phương, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp để chuyển giao khoa học công nghệ và kết nối thị trường tiêu thụ để giúp sản xuất rau công nghệ cao tại Mộc Châu phát triển bền vững.

Bình luận