Người dân tự giác thu gom rác thải bảo vệ môi trường vùng nuôi thuỷ sản

Bình luận · 15 Lượt xem

Thông qua các lớp tập huấn, ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi của người dân đã được nâng cao rõ rệt, rác thải được thu gom sạch sẽ mang vào bờ xử lý.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện) đã triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh khu vực Nam Trung bộ. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong khuôn khổ nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao Viện thực hiện. Nội dung tập trung chủ yếu vào các khâu kỹ thuật, thông qua đó giảm thiểu được lượng chất thải, sản phẩm thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản ra môi trường biển.

Theo đó, Viện đã phối hợp với địa phương xuống tận các thôn, làng có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản để mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó tuyên truyền, lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Mới đây, Viện đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và UBND xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) tổ chức tập huấn cho bà con nuôi trồng thủy sản tại thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương. Lớp tập huấn thu hút đông đảo người dân địa phương đến dự.

Không khí lớp tập huấn diễn ra sôi nổi thể hiện qua những cuộc trao đổi giữa các chuyên gia của Viện và người dân địa phương. Nội dung trao đổi xoay quanh về kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng, cách thức nuôi và các vấn đề kỹ thuật, quản lý lồng bè nuôi như: Chuẩn bị thức ăn, cách thức cho ăn, quản lý, chăm sóc…, đặc biệt là việc tham gia tích cực tổ cộng đồng nhằm giảm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cùng với đó, khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường khu vực nuôi giúp hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đối tượng nuôi, từ đó đạt năng suất cao.

Bà Nguyễn Vũ Phương Mai, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu (Phú Yên) phát biểu tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Bà Nguyễn Vũ Phương Mai, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu (Phú Yên) phát biểu tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Tham gia lớp tập huấn, ông Lê Thành Tâm (thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương) cho biết, hiện ông đang nuôi 350 lồng tôm hùm ở vịnh Xuân Đài. Từ trước đến nay, môi trường tại các bè nuôi được ông giữ gìn sạch sẽ, vỏ bao bì nilon đựng thức ăn, rác thải sinh hoạt được gom vào bờ để xử lý, tôm cũng được ông cho ăn với lượng thức ăn vừa đủ. Nhờ vậy, tôm nuôi ít bị dịch bệnh, phát triển tốt và cho năng suất cao.

“Tôi và các bè nuôi lân cận thường xuyên nhắc nhở nhau giữ gìn môi trường khu vực nuôi, chúng tôi thu gom rác thải và tập trung tại một điểm để dễ dàng cho việc thu gom vào bờ xử lý”, ông Tâm cho hay.

Cùng tham gia lớp tập huấn, ông Lê Ngọc Quang ở thôn Trung Trinh cũng từng nuôi tôm hùm, hiện đang làm thuê cho các bè nuôi tôm hùm tại địa phương cho biết, việc bảo vệ môi trường tại khu vực nuôi được các hộ dân thực hiện rất nghiêm túc, rác thải được thu gom hàng ngày để mang vào bờ xử lý. Tuy nhiên, nhận thức của một số bạn trẻ làm việc tại các bè nuôi chưa cao nên còn tình trạng xả rác xuống biển.

Do đó, ông mong muốn Viện mở thêm các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân cũng như phối hợp với địa phương vận động người dân giữ gìn môi trường sạch sẽ, không vứt rác thải và cần thu gom vào bờ để xử lý.

Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện có hơn 129.000 lồng nuôi tôm hùm. Ảnh: PC.

Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện có hơn 129.000 lồng nuôi tôm hùm. Ảnh: PC.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, hiện nay địa phương có hơn 134.000 lồng nuôi tôm hùm và cá biển, trong đó tôm hùm chiếm 129.000 lồng với 4.000 hộ dân tham gia nuôi.

Bà Nguyễn Vũ Phương Mai, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi được địa phương rất quan tâm. Địa phương cũng đã triển khai mô hình thu gom rác thải trên địa.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về mật độ lồng nuôi cũng được địa phương thực hiện thường xuyên. Hàng năm vào đầu vụ, địa phương sẽ có thông tin hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, trong đó khuyến cáo người dân nuôi đúng đối tượng, mật độ, thời vụ do Sở NN-PTNT ban hành.

“Qua công tác vận động của chính quyền thời gian qua, ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi của người dân cũng đã được nâng cao. Hiện nay các hộ dân cũng đã thực hiện một số biện pháp như thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì đựng thức ăn, xác thủy sản mang vào bờ tập kết để đội vệ sinh môi trường tổ chức thu gom”, bà Mai cho hay.

Môi trường vùng nuôi thủy sản đã dần được cải thiện. Ảnh: PC.

Môi trường vùng nuôi thủy sản đã dần được cải thiện. Ảnh: PC.

Theo bà Mai, hiện nay công tác quan trắc môi trường vùng nuôi được các sở, ban ngành và đơn vị quan tâm. Trong đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Chi cục Thủy sản, Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ đều thông báo kết quả quan trắc cho địa phương, sau đó kết quả quan trắc này được truyền tải đến người dân thông qua website của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường cũng phát loa thông báo kết quả quan trắc đến tận người nuôi trồng thủy sản để nắm bắt thông tin kịp thời. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng gửi thông tin quan trắc môi trường qua tin nhắn cho người dân.

PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, tập huấn sẽ được đơn vị thực hiện thường xuyên hơn để nâng cao hơn nữa ý thức của người nuôi trồng thủy sản.

"Chúng tôi cũng mong muốn bà con phải có ý thức hơn để xã hội hóa thu gom chất thải do chính các hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con gây ra nhằm giúp môi trường vùng nuôi được ổn định, thuỷ sản nuôi của bà con ít bị ảnh hưởng và hoạt động thu gom chất thải được duy trì thường xuyên", TS Nha nói.

Bình luận