Đối thoại giữa ngư dân và doanh nghiệp về lỗi thiết bị giám sát hành trình

Bình luận · 345 Lượt xem

BẾN TRE Ngư dân và doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá ở Bến Tre đối thoại để tìm hướng khắc phục lỗi hư hỏng thường xuyên.

Ngư dân trình bày ý kiến tại buổi đối thoại với Công ty Bình Anh. Ảnh: Minh Đảm.

Ngư dân trình bày ý kiến tại buổi đối thoại với Công ty Bình Anh. Ảnh: Minh Đảm.

Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết vừa tổ chức buổi đối thoại giữa bà con ngư dân huyện Ba Tri và doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá để tìm ra lỗi và hướng khắc phục việc thiết bị hư hỏng thường xuyên.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 7 cơ quan cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân. Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh ở Hà Nội (gọi tắt là Công ty Bình Anh) lắp 730 thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 50% số tàu cá cần trang bị) và đứng thứ 2 ở miền Nam, sau tỉnh Cà Mau.

Gần đây, có 36 tàu của ngư dân sau khi lắp thiết bị của doanh nghiệp này cung cấp đã bị mất tín hiệu thường xuyên, nhiều nhất là tàu cá của ngư dân ở xã Tân Thủy, An Hòa Tây và thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri). Việc thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng gây khó khăn cho hoạt động của tàu cá, nhất là không thể ra khơi vì vướng quy định về IUU.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre phối hợp UBND huyện Ba Tri tổ chức cho 30 ngư dân đối thoại với Công ty Bình Anh về tình hình thực tiễn hoạt động của thiết bị giám sát hành trình do doanh nghiệp cung cấp.

Tại buổi đối thoại, bà con ngư dân đã yêu cầu Công ty Bình Anh phải có trách nhiệm khắc phục sự cố do ngư dân bị thiệt hại khi phải nghỉ đánh bắt nhằm chờ đợi thiết bị có tín hiệu mới hoạt động. Khi thiết bị giám sát của ngư dân báo hư hỏng, Công ty Bình Anh cần có thiết bị tạm thời nhanh chóng và đáp ứng hiệu quả.

Phía đại diện Công ty Bình Anh đã ghi nhận những ý kiến chia sẻ, đề xuất của bà con ngư dân và sẽ nghiên cứu giải quyết những bức xúc về thiết bị giám sát hành trình do Công ty cung cấp. Tuy nhiên, chuyện tháo gỡ khó khăn tức thời cho ngư dân là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp. Sau 3 ngày nhận thông tin, doanh nghiệp sẽ cho nhân viên kỹ thuật liên hệ và tiến hành sửa chữa cho ngư dân.

Bà con ngư dân yêu cầu Công ty Bình Anh phải có trách nhiệm khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu. Ảnh: Minh Đảm.

Bà con ngư dân yêu cầu Công ty Bình Anh phải có trách nhiệm khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn tàu đánh cá của tỉnh Bến Tre hiện có gần 3.000 phương tiện. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên hơn 2.000 chiếc, chiếm 69% tàu cá toàn tỉnh. Để phòng chống vi phạm IUU trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, các ngành chức năng và các cấp chính quyền ở tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Nhất là công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm liên quan đến lỗi mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khi phương tiện đang hoạt động.

Đến nay, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre tổ chức đăng ký cho tàu cá đạt 72%, cấp giấy phép khai thác đạt khoảng 78%, lắp đặt thiết bị giám sát cho trên 98% tàu trong diện bắt buộc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức cho 259 hộ gia đình ký cam kết tham gia thực hiện các nội dung đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, triển khai thực hiện biện pháp cảnh báo vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, có 27 xã phân công 199 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 304 chủ tàu (386 tàu) thuộc diện nguy cơ cao trên địa bàn về IUU.

Cùng với đó, tỉnh Bến Tre ký kết với tỉnh Cà Mau và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 thực hiện kế hoạch phối hợp quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Nhờ vậy mà trong 6 tháng đầu năm nay, Bến Tre không có tàu bị nước ngoài bắt giữ.

Bình luận