Vựa lúa, trái cây của Việt Nam phụ thuộc vào... thời tiết

Bình luận · 12 Lượt xem

TPO - Ông Trần Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ - đánh giá: “ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và gi

Điểm nhấn từ ngành năng lượng

Ngày 29/11, tại Cần Thơ diễn ra Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - SDMD lần 2, năm 2024, do UBND TP. Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Vựa lúa, trái cây của Việt Nam phụ thuộc vào... thời tiết ảnh 1

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, phát triển bền vững mang tính tất yếu, mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển. Trong đó, có các tiêu chí về phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt phát triển bền vững về môi trường.

“Thời gian qua, Thành phố luôn quan tâm lồng ghép triển khai các nội dung về phát triển bền vững vào các định hướng phát triển, chính sách trong giai đoạn mới của địa phương. Trong đó có Nghị quyết 59 của của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hiển nói.

Cũng theo lãnh đạo TP. Cần Thơ, thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao và liên tục gia tăng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Đặc biệt, ngành năng lượng của vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, vùng đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.

Điểm nghẽn nhân lực, hạ tầng

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Công Thương địa phương, Bộ Công Thương - cho biết, xét bình diện cả nước, quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn chậm. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Vựa lúa, trái cây của Việt Nam phụ thuộc vào... thời tiết ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Công Thương địa phương, Bộ Công Thương. Ảnh: Hòa Hội.

Với vùng ĐBSCL, ông Thịnh cho rằng, phát triển nông - thủy sản xuất khẩu của vùng vẫn dựa trên hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, chưa gắn kết được vùng nuôi trồng, khai thác với khu vực chế biến, xuất khẩu. Vùng đồng bằng chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp lớn về sản xuất, chế biến nông - thủy sản xuất khẩu.

Để phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn tới, ông Thịnh đề nghị, các địa phương trong vùng tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thực phẩm. Các nhà máy chế biến phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Thịnh, vùng ĐBSCL cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

 

Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ - đánh giá, công nghiệp của ĐBSCL còn chậm phát triển, chủ yếu chế biến nông - thủy sản và một số ngành công nghiệp nhẹ. “ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường. Chưa có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chế biến sâu có tỷ lệ thấp”, ông Hùng nói.

Ông Hùng dẫn chứng, hạ tầng giao thông và logistic vùng ĐBSCL chưa đồng bộ; đường bộ, đường thủy và cảng biển chưa đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Gần đây vùng mới được đầu tư một số tuyến đường cao tốc, như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Sóc Trăng...

Bên cạnh đó, một trong những điểm nghẽn lớn của ĐBSCL, theo ông Hùng là nguồn nhân lực. Cụ thể, hơn 50% nhân lực của vùng làm nông nghiệp. Tỷ lệ lao động kỹ thuật có tay nghề cao chỉ đạt khoảng 15%, các ngành kỹ thuật công nghệ, đặc biệt công nghiệp chế biến, công nghệ cao đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Vựa lúa, trái cây của Việt Nam phụ thuộc vào... thời tiết ảnh 3

Đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội.

Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL, TS. Trần Thanh Hùng khuyến nghị, Nhà nước cần tăng đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm qua vùng (như cao tốc, cảng biển, đường thủy). Kết nối giao thông tốt sẽ giúp phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp và du lịch vùng ĐBSCL.

Về gỡ điểm nghẽn nhân lực, ông Hùng đề xuất, tăng cường đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Đi liền với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ tiếp cận các công việc trong ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Bình luận