Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bên phải) kiểm tra tình hình đầu tư các công trình phòng sạt lở ven biển vào cuối tháng 5/2023. |
Bờ biển đầy "thương tích"
Vùng đất Cà Mau ba mặt tiếp giáp biển, có 6/9 đơn vị hành chính cấp huyện nằm ven biển với 101 xã/phường/thị trấn. Trong số này, có đến khoảng một phần năm đơn vị hành chính cấp xã nằm ven biển, hoặc tiếp giáp với biển.
Gắn liền với biển là rừng phòng hộ, được xem là "lá chắn sống" tuyến đầu bảo vệ đất đai trước các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng sạt lở đất. Tuy nhiên, suốt chiều dài hơn 250km bờ biển của Cà Mau, sạt lở xảy ra hầu như quanh năm, chỉ khác ở cường độ vào từng thời điểm nhất định. Nhất là khu vực bờ Biển Đông, do chưa có đê bảo vệ nên rừng phòng hộ bị tàn phá nham nhở, lồi lõm hình răng cưa. Còn khu vực bờ Biển Tây, tuy đã có đê nhưng tại những nơi chưa có công trình kè biển bảo vệ bên ngoài, cây rừng bị sóng dữ đánh chổng gốc, ngã đổ, chờ khai tử…!
Khảo sát thực địa phục vụ công tác lập quy hoạch chung cho tỉnh gần đây ở vùng ven bờ Biển Đông tỉnh Cà Mau, quan sát qua thiết bị flycam, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, thở dài, giọng buồn so: "Trên bản đồ quy hoạch cũ, ranh giới rừng phòng hộ xưa kia cách vị trí bờ hiện tại cả cây số (km) nhưng giờ đã là biển nước".
Hơn 30 năm gắn bó trong ngành nông nghiệp, và phần lớn thời gian được giao phụ trách lĩnh vực đê điều, ông Nam đã đặt chân đến hầu khắp các dãy rừng phòng hộ ven biển Cà Mau. Tuy nhiên, xót xa nhất của người cán bộ quản lý là thấy rõ nguy cơ mất rừng, mất đất ven biển bởi sự tàn phá của thiên nhiên nhưng không tài nào cứu được. Ông nói: "Hai năm trước, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở ở Cà Mau khoảng 188/254km. Cộng dồn trong 10 năm đến thời điểm kể trên (từ 2011-2021), toàn tỉnh bị sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích hơn 5.200ha, tương đương với diện tích bình quân một xã cỡ lớn vùng ven biển".
Len lỏi qua nhiều khu dân cư ven biển mới biết, tình hình sạt lở ở Cà Mau diễn biến phức tạp, rừng phòng hộ bị phá hủy nghiêm trọng khiến đường bờ biển lấn nhanh về phía đất liền. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khu dân cư ven biển phải "sống lùi" theo tiến trình sạt lở. Như tình cảnh của ông Nguyễn Việt Lào (ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân), giờ phải dời nhà vô tận khu dân cư Cái Cám nằm sau đê Biển Tây để bảo đảm an toàn.
"Hồi trước, có hôm đi biển về, cái nhà tôi đã bị sóng biển đánh sập. Sau đó cứ lùi sâu vô. Xóm tôi nhiều hộ cũng như vậy. Giờ, nơi ở xưa kia có cây rừng che chắn bên ngoài đã thành biển mất rồi" - ông Lào thú thiệt.
Trở ngại lớn từ nguồn vốn
Trước hiểm họa sạt lở liên tục xuất hiện với cường độ, mức độ phức tạp, trong nhiều năm liên tục, chính quyền tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp, đồng thời đề xuất sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Nhờ sự hỗ trợ đó mà đến nay, Cà Mau đã đầu tư xây dựng và hoàn thành được hơn 56km kè bảo vệ vùng ven biển, với tổng kinh phí hơn 1.840 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư kè ven bờ Biển Tây chiều dài hơn 43km, bờ Biển Đông được gần 13km. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Cà Mau, những công trình kè ven biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp làm giảm sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Dù mang lại hiệu quả bước đầu nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, còn nhiều khu vực trên chiều dài bờ biển Cà Mau chưa được triển khai các dự án kè, đặc biệt khu vực bờ Biển Đông. Ở đó, tình trạng sạt lở rất sâu nên suất đầu tư công trình lớn hơn nhiều so với khu vực bờ Biển Tây và điều kiện thi công cực kỳ khó khăn.
Theo số liệu khảo sát, cập nhật mới, tuyến bờ biển trong tỉnh hiện còn khoảng 100km tiếp tục bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35km, tốc độ sạt lở hằng năm trung bình có nơi từ 50-80m về phía bờ. Về nguyên nhân, trong lần làm việc tại Cà Mau vào giữa tháng 5/2023, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ rõ: "Bán đảo Cà Mau, theo nhiều nhà khoa học là hiện tượng "đói cát" nên bị sạt lở nhiều. Khắc phục việc này cần có giải pháp mang tính dài hơi".
Rừng phòng hộ ven biển Cà Mau là tấm lá chắn góp phần bảo vệ gần 200.000ha đất nuôi trồng thủy sản và đất canh tác hệ ngọt (trồng lúa, trồng màu, nuôi cá đồng...), cùng hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ... của hơn 260.000 hộ dân. Để bảo đảm an toàn cho vùng canh tác nêu trên, Cà Mau đề xuất nhu cầu vốn thực hiện để ứng phó dài hơi là hơn 3.900 tỷ đồng. Trong đó, xin ưu tiên hỗ trợ trước 970 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để tỉnh thực hiện các công trình phòng chống sạt lở tại những nơi cấp bách.
Thông tin thêm với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, trở ngại lớn trong công tác phòng chống sạt lở bờ biển hiện nay của Cà Mau là cần nguồn vốn lớn mà ngân sách địa phương không kham nổi. Vì lẽ đó, tỉnh đã cho thí điểm huy động doanh nghiệp bỏ tiền để làm kè ven biển ở khu vực Khai Long (huyện Ngọc Hiển). Đổi lại, Cà Mau giao lại một phần đất phía trong kè để doanh nghiệp triển khai các dự án kinh tế. Qua sơ kết cho thấy, việc thí điểm trên đạt hiệu quả tốt, không những bảo vệ chống sạt lở hiệu quả mà hoạt động đầu tư kinh tế phần đất bên trong kè của doanh nghiệp còn đóng góp nguồn thu cho ngân sách.
Từ thực tế đó, Cà Mau mong muốn tới đây, ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, có thể tiếp tục huy động doanh nghiệp bỏ tiền ra làm kè bảo vệ chống sạt lở - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, đề xuất.