Lần đầu áp dụng, lúa sạ cụm bằng máy hiệu quả tăng rõ rệt

Bình luận · 1000 Lượt xem

Nông dân đánh giá sử dụng máy sạ cụm lúa cho năng suất, chất lượng cao, giảm sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.

Nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác mới cho nông dân, vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng triển khai mô hình máy sạ cụm tại Hợp tác xã (HTX) Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Mô hình có sự tham gia của 9 hộ dân với tổng diện tích trên 2ha, sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7.

Máy sạ cụm dễ vận hành, dễ sử dụng, phù hợp với sự tiếp cận của nông dân.

Quảng Trị từng ứng dụng máy sạ hàng, sạ lan, máy cấy nhưng đây là lần đầu tiên máy sạ cụm được ứng dụng vào sản xuất lúa. Lúc đầu, người dân còn nhiều nghi ngại nhưng sau khi thấy hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, nhiều hộ dân rất háo hức.

Bà Lê Thị Vương, hộ tham gia mô hình cho hay, việc sử dụng máy sạ cụm đã giúp gia đình bà giảm thời gian gieo sạ và tỉa dặm. Đây là yếu tố rất cần thiết trong điều kiện lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp ngày càng ít và đang ngày càng già hóa. Nhờ việc sạ theo cụm, gia đình bà giảm được lượng giống và phân bón nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao hơn sạ lan, sạ hàng.

“Sạ cụm bằng máy thẳng hàng với mật độ hợp lý giúp cây lúa có đủ ảnh sáng, phát triển, đẻ nhánh tốt nên nhiều bông, bông to, ít sâu bệnh hơn, chăm sóc dễ hơn rất nhiều”, bà Vương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây cho biết, máy sạ cụm HTX sử dụng tại mô hình có năng suất làm việc khá cao. Quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ cụm khá đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp cận của nông dân. Trong điều kiện bình thường, máy có thể sạ từ 6 - 8ha/ngày, cao hơn nhiều so với năng suất làm việc của máy cấy lúa hiện nay. Điều này sẽ giúp nông dân giảm chi phí nhân công, đẩy nhanh lịch thời vụ

Mô hình sản xuất lúa áp dụng máy sạ cụm lần đầu tiên triển khai tại Quảng Trị. 

Thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm giúp nông dân giảm được 60 - 70% lượng giống so với tập quán sạ dày. Quan trọng hơn, việc giảm giống đã kéo theo giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân...

“Do sạ theo cụm với mật độ thưa nên cây lúa cứng cáp, ít sâu bệnh và tăng khả năng chống đổ, nhất là giai đoạn trổ - chín; năng suất lúa vì thế cũng nhỉnh hơn so với sạ lan, sạ hàng. Loại máy chúng tôi đang sử dụng rất phù hợp với hộ dân có diện tích ruộng lớn, ít bờ vùng bờ thửa. Vì vậy, các hộ dân có nhiều ruộng nên mạnh dạn đầu tư”, ông Lâm đánh giá.

Theo tính toán ban đầu của HTX Thủy Ba Tây, nhờ năng suất nhỉnh hơn, đầu tư thấp hơn hơn nên lãi ròng khi sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm trong vụ hè thu 2023 đạt trên 29 triệu đồng/ha. Trong khi đó, lãi thuần khi sản xuất lúa bằng máy sạ hàng, sạ lan cùng mùa vụ chỉ đạt lần lượt trên 27 triệu đồng/ha và 22 triệu đồng/ha.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị (ngoài cùng bên trái) hi vọng nông dân mạnh dạn đầu tư máy sạ cụm để đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Các hộ dân tham gia mô hình máy sạ cụm đều đánh giá, việc sử dụng máy sạ cụm đem lại nhiều lợi ích, giải phóng sức lao động và rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực như hiện nay. Đặc biệt tại Quảng Trị thường xuyên chịu thiên tai, mưa lũ, việc sử dụng máy sạ cụm sẽ đem lại lợi ích rất lớn nhằm đẩy nhanh lịch thời vụ, né mưa lũ.

“Sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm mang lại hiệu quả vượt trội cho người trồng lúa về năng suất và chất lượng. Chúng tôi triển khai mô hình nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác mới cho nông dân. Hi vọng sau khi mô hình kết thúc, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư máy sạ cụm, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo”, ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đánh giá

 

 

Bình luận