Thanh Mỹ là xã nông nghiệp, có 07 ấp, dân số 2.164 hộ, 7.702 khẩu. Diện tích đất tự nhiên 2.144,32ha. Đất nông nghiệp 1.929,63ha, chiếm 75,93%, trong đó, đất sản xuất lúa 1.431,06ha; đất trồng cây hàng năm khác 25,95ha, đất trồng cây lâu năm 467,99ha; đất nuôi trồng thủy sản 4,63ha. Còn lại, đất phi nông nghiệp 214,69ha. Năm 2019, xã Thanh Mỹ được công nhận đạt chuẩn xã NTM.
Đảng bộ huy động tối đa các nguồn lực, với quan điểm “Lấy sức dân lo cuộc sống cho dân” đạt nhiều kết quả khả quan. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, chủ động sản xuất 03 vụ lúa/năm. Các hình thức sản xuất được đổi mới và hoạt động có hiệu quả.
Toàn xã có 03 kênh cấp I, dài 11,65km; 21 kênh cấp II, dài khoảng 32,33km; 71 kênh cấp III, với chiều dài khoảng 44,81km. Nằm trong hệ thống thuỷ lợi tầm phương khép kín đảm bảo chủ động tưới tiêu trên 90% diện tích đất nông nghiệp. Ban Quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi xã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, nguồn nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi và dự báo nguồn nước phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và dân sinh. Đồng thời, phối hợp với Trạm Thủy nông huyện vận hành cống điều tiết nước theo lịch thời vụ 03 đợt trong năm, phục vụ sản xuất, thu hoạch lúa theo mùa vụ.
Đồng chí Bùi Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết: để đảm bảo các công trình thủy lợi trên địa bàn hoạt động hiệu quả, Đảng ủy chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi phù hợp với XDNTM, giai đoạn 2021 - 2025. Hàng năm, các tuyến kênh nội đồng được nạo vét kịp thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm 2024, nạo vét 03 tuyến kênh cấp II, 20 tuyến kênh cấp III. Kế hoạch năm 2025, xã đăng ký nạo vét 01 tuyến kênh cấp I, 04 tuyến kênh cấp II và 18 tuyến kênh cấp III nhằm đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tất cả công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do xã quản lý có kế hoạch bảo trì hàng năm, phát động Nhân dân ra quân vớt lục bình khai thông dòng chảy.
Xã xác định cây trồng chủ lực của địa phương là lúa và màu, với tổng diện tích 1.426ha được người dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Có 824/1.426ha diện tích lúa, màu áp dụng tưới tiết kiệm nước, áp dụng hệ thống phun nước tự động, mô hình tưới ướt khô xen kẻ, đạt 57,78%.
Đồng chí Nguyễn Văn Cưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết, UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức kiểm soát, quản lý nguồn nước thải. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh và có sự tham gia giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước ngay từ khi xuất hiện sự cố.
Thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã đã tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm lo phát triển nông nghiệp và thực hiện một số chính sách nhằm khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm 2024, xã tập trung chỉ đạo và vận động nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất, đưa cây màu xuống chân ruộng được 36,45ha. Duy trì tốt các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình lúa chất lượng cao và phát thải thấp, diện tích 48,8ha; mô hình sản xuất lúa giống 27,5ha, lợi nhuận từ các mô hình sản xuất lúa đạt 15 - 23 triệu đồng/ha/vụ. Nuôi bò sinh sản, bò thịt dưới hình thức gia trại có 08 mô hình; nuôi dê sinh sản, dê thịt 03 mô hình, bình quân lợi nhuận đạt từ 03 - 05 triệu/con/năm. Trong năm, toàn xã gieo trồng 4.140ha lúa (03 vụ), đạt 100%, năng suất bình quân 6,65 tấn/ha, đạt 112,13% kế hoạch, tổng sản lượng 27.544,8 tấn, đạt 112,13% kế hoạch. Xuống giống 332,6ha màu các loại, đạt 102,97% kế hoạch.
Ngoài ra, phát triển 11.295 con gia súc, 101,52% so kế hoạch; 76.634 con gia cầm, đạt 102,18% kế hoạch; thu hoạch 3.250,1 tấn thủy sản, đạt 104,79% kế hoạch. Xã có 02 hợp tác xã nông nghiệp, 01 hợp tác xã chăn nuôi, 01 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả.
Nông dân Lê Văn Đông, ấp Ô Tre Lớn cho biết, gia đình canh tác 1,9ha sản xuất 03 vụ/năm, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho mùa vụ, các tuyến kênh được nạo vét định kỳ, kịp thời đáp ứng nhu cầu cung cấp nước phục vụ cho sản xuất.
Thủy lợi là yếu tố hàng đầu trong việc phát triển sản xuất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Năm 2024, thông qua các mô hình sản xuất hiệu quả, trong năm, xã thoát 12 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Hiện còn 25 hộ nghèo, chiếm 1,05%, 46 hộ cận nghèo, chiếm 1,94%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,27 triệu đồng/người/năm. Kết quả thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, xã tổ chức tự đánh giá đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo quy định.
Đồng chí Bùi Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết thêm, kết quả trên, trước tiên là có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ, đề ra mục tiêu đúng hướng, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, tạo lòng tin trong Nhân dân, Nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tích cực các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, có bước đi phù hợp, phát huy được sự đồng thuận và vai trò chủ thể của Nhân dân.
| Đồng ruộng thực hiện mô hình lúa chất lượng cao và phát thải thấp của HTX Nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phát Tài ở xã Thanh Mỹ được thành lập năm 2017, bước đầu thành lập có 56 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu đồng. Đến nay, HTX nâng 74 thành viên, vốn điều lệ 424 triệu đồng. Hiện tại, HTX hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 163 hộ, diện tích 140ha và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ước tính doanh thu trên 01 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn có các loại hình dịch vụ, như: chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp; áp dụng cơ giới hoá các khâu làm đất, gieo sạ, tưới tiêu chủ động, chăm sóc, thu hoạch… Sản xuất cung ứng và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết 4 nhà, bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2024, HTX Nông nghiệp Phát Tài thực hiện mô hình lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 48,4ha, có 48 hộ tham gia. Mô hình áp dụng ứng dụng công nghệ cao tưới tiết kiệm nước có lắp đặt máy theo dõi chế độ rút nước và máy đo khí phát thải tại đồng ruộng để theo dõi chế độ rút nước và đo khí phát thải. HTX đang sử dụng phần mềm chuyển đổi số, phần mềm nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm để theo dõi ghi chép nhật ký sản xuất lúa trong mô hình. HTX Nông nghiệp Phát Tài sản xuất và bao tiêu sản phẩm với diện tích 160ha/vụ, đạt 11,59% diện tích lúa toàn xã, tương đương trên 30 % sản phẩm chủ lực của xã. Sản phẩm lúa của HTX đã được phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh thông qua hợp đồng giao dịch. Ngoài ra còn được phân phối qua kênh thương mại điện tử, như: Zalo, Facebook… Mô hình sản xuất lúa của HTX được chọn làm mô hình điểm của tỉnh Trà Vinh và được nhiều đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. |
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI