Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa bệnh dại

Bình luận · 11 Lượt xem

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 10 ổ dịch bệnh dại trên 7 huyện, thị, trong đó có 2 ca tử vong.

Trước tỉnh hình trên, Sở Y tế Bình Phước đã ban hành công văn khẩn, về việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người. 

Theo Sở Y tế, tháng 8/2024, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại khu vực phường Long Thủy, thị xã Phước Long, nâng tổng số ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 2 ca (ca đầu tiên ghi nhận ngày 17/6/2024 tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng). Đối với bệnh dại trên chó, từ đầu năm 2024 đến nay, số ổ dịch dại ghi nhận là 10 ổ tại các huyện, thị xã (trong đó nhiều nhất là huyện Lộc Ninh, với 4 ổ).

Nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong do bệnh dại, công văn của Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người tại địa bàn quản lý; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản hướng dẫn phòng, chống bệnh dại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước.

Một trong số những giải pháp phòng ngừa bệnh dại từ vật nuôi, là xử lý nghiêm những trường hợp thả rông cho ngoài đường. 

Một trong số những giải pháp phòng ngừa bệnh dại từ vật nuôi, là xử lý nghiêm những trường hợp thả rông cho ngoài đường. 

Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại; tổ chức các đợt truyền thông trên quy mô toàn huyện về các biện pháp phòng, chống bệnh dại, sự nguy hiểm của bệnh dại, đặc biệt các xã có ca bệnh tử vong và ổ dịch dại trên động vật, các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nhanh chóng điều tra, rà soát những người đã bị chó nghi, mắc bệnh dại cắn, cào; những người có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với chó nghi, mắc bệnh dại để tổ chức tiêm phòng vacxin và huyết thanh kháng dại cho người bị chó cắn và người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại trên địa bàn huyện. Đảm bảo 100% người có nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong thời gian điều trị được tiêm phòng vacxin và huyết thanh kháng dại.

Đặc biệt, cần tuyên truyền mạnh cho người dân vùng sâu vùng xa, những người lâu nay vẫn luôn chủ quan, thờ ơ khi bị chó cắn.

Đặc biệt, cần tuyên truyền mạnh cho người dân vùng sâu vùng xa, những người lâu nay vẫn luôn chủ quan, thờ ơ khi bị chó cắn.

Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng vacxin và huyết thanh kháng dại tại địa phương; bố trí vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận và đảm bảo trực 24/24h đối với bàn tiêm chủng vacxin và huyết thanh kháng dại; bố trí nguồn kinh phí và khẩn trương mua vacxin và huyết thanh kháng dại nhằm cung cấp đầy đủ cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại và sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp số ca phơi nhiễm bệnh dại tăng tại địa phương.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường chia sẻ thông tin về các trường hợp đến cơ sở điều trị dự phòng do bị chó, mèo nghi dại cắn, cào cho cơ quan chuyên môn thú y và chính quyền địa phương nơi bị chó, mèo cắn để chủ động triển khai, áp dụng các biện pháp ứng phó, phòng, chống bệnh dại, hạn chế thiệt hại do bệnh dại gây ra. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định.

Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh dại tại các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các xã có ca bệnh tử vong và ổ dịch dại trên động vật, các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bình luận