Tăng giá trị xuất khẩu từ công nghiệp chế biến sâu

Bình luận · 1102 Lượt xem

Bình Phước là tỉnh có nhiều dư địa phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến hạt điều và các sản phẩm từ gỗ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định ba nh?

Trình diễn công nghệ chế biến hạt điều ở Bình Phước.
Trình diễn công nghệ chế biến hạt điều ở Bình Phước.

Đến nay, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của Bình Phước là hơn 424 nghìn ha, trong đó cây cao-su và điều đứng đầu cả nước. Cụ thể, cây cao-su có diện tích 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây điều có diện tích 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà-phê có diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu có diện tích 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước). Thời gian qua, chế biến hạt điều và chế biến gỗ xuất khẩu là hai nhóm sản phẩm chế biến chủ lực, chiếm tỷ trọng 40-45% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, phát triển công nghiệp chế biến không chỉ phát huy được thế mạnh của Bình Phước mà còn tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Trong đó cần huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài có thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp của tỉnh.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng chế biến sâu hạt điều đạt từ 15% trở lên; giá trị sản xuất hạt điều các loại và dầu vỏ hạt điều đạt khoảng 43.444 tỷ đồng/năm. Tập trung khai thác các thị trường như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như: Australia, các nước Trung Đông... Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 12.778 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021-2025 hơn 18,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành thực phẩm chế biến đạt 23.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, Bình Phước đang hướng đến tăng cường thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu trái cây đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu; qua đó đóng góp nhiều hơn cho GRDP, ngân sách và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu: 140.000 ha cây điều, tập trung tại các huyện: Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, Đồng Phú; khoảng 5.000 ha gỗ rừng trồng, cùng với gỗ điều, cao-su và gỗ nhập khẩu; khoảng 15.000 ha cây ăn trái, tập trung tại thị xã Bình Long, các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú. Song song với đó, tỉnh đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư hai cụm công nghiệp chế biến chuyên ngành điều, hai cụm công nghiệp chế biến chuyên ngành gỗ và một cụm công nghiệp chế biến trái cây.

Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha là doanh nghiệp liên doanh giữa Tập đoàn Dongwha Hàn Quốc và Tập đoàn Cao-su Việt Nam, được thành lập năm 2008. Công ty đang sở hữu máy ép ván MDF có chiều dài 47 m (loại máy ép lớn và hiện đại nhất có mặt tại Việt Nam). Nguyên liệu chủ yếu là gỗ cao-su, tràm, điều, thông được cung cấp từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đắk Nông.

Hiện nay, năng lực sản xuất của công ty hơn 600.000 m3 gỗ MDF/năm, cho doanh thu bán hàng hơn 130 triệu USD, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 120 lao động, đóng góp ngân sách hơn sáu triệu USD/năm. Hiện nay, công ty đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất số 3 trên diện tích 30 ha tại Khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 4/2024, nâng tổng công suất của nhà máy tại Bình Phước lên 1,3 triệu m3 gỗ/năm.

 

Về điều, năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD. Điều này cho thấy những năm gần đây, sản xuất, chế biến ngành điều của tỉnh được chú trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức liên kết phù hợp điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân. Bình Phước cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều. Tỉnh đã hình thành ngành công nghiệp chế biến hạt điều với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến hạt điều nhiều nhất cả nước với 33 doanh nghiệp quy mô vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ, 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ông Vũ Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, chế biến hạt điều chính là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh nhất của tỉnh, mỗi năm đóng góp từ 27-45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của tỉnh đạt 1,045 tỷ USD. Công nghiệp chế biến hạt điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của Bình Phước xuất đi hơn 100 quốc gia trên thế giới như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc..., chiếm khoảng 75% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80 nghìn lao động tại 1.416 cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn.

Hiện nay, Bình Phước đang tìm nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức, đồng thời phát huy tiềm năng của sản phẩm chế biến từ quả điều Bình Phước theo định hướng không phụ phẩm. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, vừa qua tỉnh đã tổ chức hội thảo để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới trong chế biến, sản xuất điều và các sản phẩm mới chế biến từ hạt điều; giải pháp nâng cao giá trị các sản phẩm điều Bình Phước; giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm khắc phục các bệnh thường gặp ở cây điều trong thời kỳ biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển thương hiệu điều Bình Phước ngày càng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nhà nông, doanh nghiệp cũng tiếp cận được về cây giống, quy trình trồng và chăm sóc cây điều; công nghệ thiết bị thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chế biến hạt điều; công nghệ thiết bị sản xuất các chế phẩm điều, phụ trợ trồng và sản xuất; các sản phẩm từ điều. Qua đó giúp ngành điều Bình Phước có những bước phát triển vững chắc từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến chuyên sâu.

Bình luận