Nhận diện những điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp

Bình luận · 43 Lượt xem

Ngày 28/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Đồng Tháp là một trong những địa phương tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2014, tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

Năm 2020, Đồng Tháp đã tổng kết giai đoạn I của đề án; từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn II theo hướng chuyên sâu hơn. Sau khi tổng kết Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện và nâng tầm hơn bằng Đề án xây dựng tỉnh Đồng Tháp tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh.

 

Việc tổ chức hội thảo nhằm tìm cách tiếp cận mới về mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phương thức triển khai thực hiện, nhất là giúp tỉnh nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, phương thức vận hành và trong các mối liên hệ đa ngành, liên vùng và quốc tế. Hội thảo tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp, đánh giá từ các chuyên gia về kết quả và phương hướng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

 

Trên cơ sở đó, hoàn thiện báo cáo kết quả Đề án trình Ban chỉ đạo tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; biên tập bổ sung tài liệu tham khảo phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; nghiên cứu định hướng tích hợp nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chú trọng tiếp tục phát triển ngành hàng chủ lực vào Đề án xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp có nhiều ý kiến góp ý, tham luận liên quan đến Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp như: vai trò của tái cơ cấu nông nghiệp trong định hướng cho nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; khuyến nghị các chính sách cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp sinh thái; đánh giá thực trạng, vai trò trung tâm của hợp tác xã trong xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản…

 

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn cho rằng, để xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, tỉnh nên xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, gắn hợp tác xã với vùng nguyên liệu lớn để xây dựng các chuỗi ngành hàng; xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đồng Tháp gian đoạn 2025 - 2030; ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

 

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang kiến nghị giải pháp phát triển ngành hàng cá tra - một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

 

Theo ông Văn, tỉnh cần quy hoạch những vùng nuôi cá tra thương phẩm, cá tra giống, không cần quy mô quá lớn nhưng phân bổ đều các huyện dọc theo sông Tiền và sông Hậu; quan tâm phát triển lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, nhất là cung cấp những máy móc, thiết bị phục vụ chế biến thủy sản để vừa đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến thủy sản, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

 

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, về tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2024 (so sánh chỉ tiêu đến năm 2025), có 7/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch Đề án đề ra; 8/18 chỉ tiêu đạt tiến độ Đề án đề ra. Còn 3/18 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ là: tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản bình quân mỗi năm; số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

 

 

Là tỉnh sớm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Rõ nét nhất là việc chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, với mục tiêu “giảm chí phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Điểm đáng ghi nhận nữa là ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.

 

Các ngành, các cấp tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gắn kết nhiều chương trình, dự án trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án cũng nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Đề án có 17/18 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, 1/18 chỉ tiêu đạt mức khá. Trong đó, tăng trưởng GRDP nông - lâm - thuỷ sản năm 2025 đạt 3,67%, bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,49 lần so với năm 2020; 100% diện tích vùng trồng tập trung được cấp mã số theo quy định.

Bình luận