Khuyến nông mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 231 Lượt xem

QUẢNG BÌNH Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình hỗ trợ, nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản...

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ, nhân rộng nhiều mô hình tiềm năng trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, nổi bật là việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Khuyến nông dẫn dắt nông nghiệp công nghệ cao

Trên địa bàn huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), mô hình nhà màng công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (HTX Hưng Loan) có diện tích 8ha là điểm nhấn về thay đổi sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Mô hình nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Quảng Trạch. Ảnh: T.Phùng.

Mô hình nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Quảng Trạch. Ảnh: T.Phùng.

HTX đã đầu tư xây dựng 2 nhà màng để trồng dưa lưới, rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Võ Thị Anh, thành viên HTX Hưng Loan cho biết, đây là một trong những mô hình được hưởng lợi thông qua chính sách hỗ trợ nhà màng do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện.

“Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX thuận lợi hơn, đồng thời đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn so với sản xuất theo lối truyền thống”, bà Anh nói. 

Qua quá trình sản xuất cho thấy, một nhà màng có diện tích 800m2 mỗi vụ cho sản lượng trên 2 tấn dưa lưới. Trung bình mỗi quả từ 1,5 - 2kg, với giá bán dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan đã vươn ra khắp các tỉnh thành trong cả nước và được thị trường đánh giá cao. Điều quan trọng là sản phẩm đến với người tiêu dùng bảo đảm được tiêu chí sạch, chất lượng. 

Đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cũng hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) ở xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) đầu tư xây dựng 3 chuồng kín nuôi gà ứng dụng công nghệ cao với quy mô 4.900 con. Bước đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội so với phương thức nuôi gà truyền thống trước đây.

Ông Trần Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty Nhật Minh cho biết, với diện tích hơn 1ha, trước đây, Công ty chủ yếu chăn nuôi gà theo lối truyền thống, bởi vậy cho năng suất thấp, chất lượng con giống kém, khó kiểm soát dịch bệnh, tốn nhiều chi phí nhân công trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà tại Công ty Nhật Minh. Ảnh: T.Phùng.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà tại Công ty Nhật Minh. Ảnh: T.Phùng.

Khi Công ty được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình hỗ trợ một phần kinh phí và kỹ thuật, đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, hệ thống cho ăn, nước uống tự động, chuồng nuôi thông thoáng, rộng rãi. Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư xây dựng thêm khu nhà kho chứa thức ăn, khu ấp nở, hệ thống ấp trứng bảo đảm công suất từ 50.000 - 70.000 trứng. Công ty còn mua máy tiêm phòng vacxin tự động để phục vụ nuôi gà ứng dụng công nghệ cao.

“Trung tâm hỗ trợ 35% kinh phí mua gà giống, 30% kinh phí mua thức ăn hỗn hợp cho gà mái. Qua hạch toán kinh tế cho thấy, chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao vượt trội so với hình thức nuôi truyền thống. Công ty Nhật Minh là địa chỉ quen thuộc cung cấp giống gà, trứng cho các hộ chăn nuôi toàn tỉnh và cả cho thị trường tỉnh Quảng Trị”, ông Trần Thanh Ngọc cho biết.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, tỉnh có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, các địa phương đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài.

Mặt khác, công tác giống và công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi chưa được chú trọng nên hiệu quả thấp và bấp bênh. “Chính vì vậy, chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao là quy trình chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra con giống có chất lượng tốt, không gây ô nhiễm môi trường, tạo đà cho chăn nuôi hàng hóa, sản phẩm có tính cạnh tranh và hội nhập cao”, ông Hải nói.

Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án khuyến nông, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Bình đã có những bước chuyển vượt bậc. Ảnh: TL.

Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án khuyến nông, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Bình đã có những bước chuyển vượt bậc. Ảnh: TL.

Tại huyện Lệ Thủy, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình còn hỗ trợ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt (Công ty An Việt) đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao với quy mô 15.000 con vịt thương phẩm.

Ông Thái Hoà Nam, Giám đốc Công ty An Việt cho hay: “Chúng tôi xây dựng một kho chứa thức ăn với quy mô bảo đảm cung cấp cho 15.000 con vịt thương phẩm/lứa, xây dựng hầm biogas 1.800m2 để xử lý phân và nước thải chăn nuôi. Để đảm bảo môi trường, chúng tôi khử mùi bằng phương pháp trung hòa kết tủa khí H2S và NH3”. Được biết, sau 45 ngày nuôi, vịt đã đạt ttrọng lượng trên 3,3kg/con, đủ tiêu chuẩn xuất bán. Nếu quay vòng thì một năm có thể nuôi, xuất bán 5 - 6 lứa vịt thương phẩm, lãi mỗi năm khoảng 700 triệu đồng.

Tiếp sức cho nền nông nghiệp hiện đại

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 190 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỷ lệ cơ sở chăn nuôi và thủy sản tăng nhiều theo hướng sản xuất, chế biến. Trong lĩnh vực trồng trọt có 88 cơ sở; chăn nuôi có 53 cơ sở, thủy sản có 36 cơ sở, lâm nghiệp có 3 cơ sở và chế biến nông, lâm, thủy sản 10 cơ sở.

Các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu như: Công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh; công nghệ vi sinh trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, điều hòa nhiệt độ; tự động hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống; công nghệ cho sinh sản đồng loạt; công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất; tự động hóa nguồn cung cấp điện, thức ăn; công nghệ nuôi cấy mô và tưới tiết kiệm nước; hệ thống sấy lạnh sản phẩm nông sản, dược liệu; dùng phần mềm, nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tất cả đều hỗ trợ người sản xuất, mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi vịt công nghệ cao cho lãi hàng năm khoảng 700 triệu đồng tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng.

Mô hình nuôi vịt công nghệ cao cho lãi hàng năm khoảng 700 triệu đồng tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng.

Để rộng đường cho việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ cho các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mà nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được ứng dụng rộng rãi vào các sản phẩm chế biến sâu, tạo ra giá trị đáng kể cho nông dân và chủ đầu tư.

“Điều quan trọng là ứng dụng công nghệ cao đã giúp cung ứng nguồn nông sản chất lượng và an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu của người dân và tiến tới xuất khẩu. Đây cũng chính là xu hướng phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Quảng Bình”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Bình cũng đã hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện chứng nhận VietGAP cho 64 cơ sở, trong đó có 46 cơ sở trồng trọt, 15 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở nuôi trồng và 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản.

Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Bình cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Ảnh: Tâm Phùng.

Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Bình cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngoài ra còn có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận và hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 90 sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QR Code cùng 14 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Dù đã có những bước tiến vượt bậc, song nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức bởi chưa có chính sách đặc thù riêng, thiếu nguồn lực tài chính nên triển khai gặp nhiều khó khăn", ông Hiệp nói. 

Bình luận