TP.HCM cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Bình luận · 59 Lượt xem

Theo quy định, diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 1% tổng diện tích đất nhưng không vượt quá 50m2.

TP.HCM cho phép xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP.HCM cho phép xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

UBND TP.HCM đã ban hành quy định về sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Trong đó, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp gồm lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.

Để được xây dựng, thửa đất nông nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng rộng từ 500 m2 trở lên, có thể là một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người.

Diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 1% tổng diện tích đất nhưng không vượt quá 50 m2. Công trình chỉ được xây 1 tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm.

Về kết cấu, công trình phải có kết cấu bán kiên cố. Cụ thể, tường gạch hoặc tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt; mái vật liệu nhẹ.

Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020) và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020).

Trong đó, UBND cấp huyện là đơn vị chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình, thời gian tồn tại của công trình theo quy định.

Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới đường hiện hữu theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, chủ đầu tư chấp hành việc tháo dỡ không điều kiện và không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại theo quy định, hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định, hoặc cho đến khi thửa đất nông nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quy định hạn mức giao đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang, không có tranh chấp và hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024 và không áp dụng cho đất trồng lúa, vì diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa được thực hiện theo Nghị định riêng.

Cụ thể, đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 1 ha cho mỗi loại đất. Đối với đất trồng cây lâu năm không quá 5 ha. Đối với đất nông nghiệp khác không quá 2 ha. Đối với đất lâm nghiệp không quá 10 ha. Nếu vượt hạn mức quy định nêu trên thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước.

Về hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo khoản 5 Điều 176 Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể, đối với đất trồng cây lâu năm không quá 1 ha. Hạn mức giao đất nêu trên không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 176 Luật Đất đai năm 2024.

Bình luận