Theo đó, các đại biểu đã thông qua tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp; kết quả thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch và đề xuất giải pháp khắc phục; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030…
Đặc biệt, tập trung vào kết quả thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đến năm 2030. Đến nay, các địa phương toàn tỉnh thực hiện 22 mô hình theo quy trình sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch của năm. Đồng thời, Sở NN&PTNT phối hợp các ngành, địa phương tích cực thực hiện các cơ chế chính sách, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ khoa học - công nghệ, nâng cao nhận thức, năng lực của tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đề án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.
Về mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tích cực phối hợp sở, ngành, địa phương căn cứ theo quy hoạch của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tham mưu UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp An Giang.
Trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024, yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp; tăng cường bảo vệ sản xuất vụ thu đông 2024. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu quan trọng liên quan đến thu nhập của người dân.
Tập trung nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, học tập mô hình hay của các địa phương để triển khai trên địa bàn; chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các nghiên cứu khoa học cho ngành nông nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống lũ, sạt lở, nghiên cứu phương án trồng cây phù hợp, bằng hình thức vận động Nhân dân cùng tham gia thực hiện; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Cùng với đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, mời gọi doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Tích cực phối hợp Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh thúc đẩy phát triển số lượng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh song song với việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, quảng bá sản phẩm... Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến logistic.
Với Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT chủ động nghiên cứu các mô hình từ những tỉnh, thành phố đã triển khai đề án để có biện pháp áp dụng hiệu quả. Đồng thời, tham mưu các giải pháp phát triển giống lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả đề án.
Các sở, ngành được UBND tỉnh phân công thực hiện đề án cần chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở NN&PTNT tích cực triển khai hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhất là thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về đề án trong thời gian tới....