Navetco ứng 10 tỷ đồng bồi thường các hộ nuôi bò sữa bị thiệt hại

Bình luận · 6 Lượt xem

Công ty Navetco đã chuyển 50% tiền bồi thường (hơn 10 tỷ đồng trong tổng số hơn 20 tỷ đồng đã thỏa thuận) cho người dân nuôi bò sữa bị thiệt hại ở Lâm Đồng.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sau khi hoàn thành phương án bồi thường, từ ngày 14/10, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cùng UBND các xã có bò bị bệnh, bò chết trên địa bàn tỉnh để tiến hành thương thảo cụ thể với từng hộ dân.

Số liệu thống kê từ ngày 27/9 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 23 con bò sữa chết (huyện Đơn Dương 8 con và huyện Đức Trọng 15 con). Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cùng Công ty Navetco và Trung tâm nông nghiệp các huyện lấy mẫu kiểm tra kết quả có 9 mẫu dương tính với BVD/23 mẫu (23 con bò chết).

Để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất, ngày 11/10, Sở NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu Công ty Navetco thực hiện bồi thường ngay khi có sự đồng ý thỏa thuận của người dân có đầy đủ hồ sơ.

Ông Vũ Đình Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến 11 giờ ngày 21/10, đã có 214 hộ đồng ý mức bồi thường/223 hộ tham gia thỏa thuận. Về cơ bản, các hộ dân khi thương thảo cũng chia sẻ thiệt hại và đề nghị sớm thực hiện chi trả để tiếp tục khôi phục sản xuất.

“Công ty Navetco đã chuyển khoảng hơn 10 tỷ đồng trong tổng số hơn 20 tỷ đồng đã thỏa thuận cho người dân bị thiệt hại tại 5 xã: Quảng Lập, Đạ Ròn, Ka Đơn, Pró, Tu Tra của huyện Đơn Dương và 2 xã Tân Nghĩa và Đinh Lạc của huyện Di Linh. Công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác bồi thường đang triển khai cơ bản tốt, kịp thời theo tiến độ”, ông Vũ Đình Cường cho hay.

Công ty Navetco đã chuyển 50% tiền bồi thường, khoảng hơn 10 tỷ đồng (trong tổng số hơn 20 tỷ đồng đã thỏa thuận) cho người dân bị thiệt hại. Ảnh: PC.

Công ty Navetco đã chuyển 50% tiền bồi thường, khoảng hơn 10 tỷ đồng (trong tổng số hơn 20 tỷ đồng đã thỏa thuận) cho người dân bị thiệt hại. Ảnh: PC.

Theo ông Vũ Đình Cường, đối với những hộ chưa đồng thuận phương án bồi thường, Sở NN-PTNT, các địa phương thường xuyên làm việc với Công ty Navetco và người dân để tổ chức thực hiện việc thỏa thuận đi đến giải pháp tốt nhất cho người chăn nuôi bị thiệt hại, đảm bảo việc bồi thường hỗ trợ thỏa đáng, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

“Việc bồi thường thiệt hại, các đơn giá bồi thường thiệt hại là thỏa thuận dân sự giữa Công ty Navetco và người chăn nuôi. Bên cạnh đó, thiệt hại của mỗi hộ gia đình là khác nhau nên việc đàm phán giữa Công ty và người dân để đi đến thống nhất là cần phải có sự thông cảm, chia sẻ lẫn nhau”, ông Vũ Đình Cường nói thông tin.

Theo đó, đơn giá bồi thường thiệt hại được Công ty Navetco đưa ra như sau: Đối với bò hậu bị không mang thai (gồm bê) 70.000 đồng/kg; bò hậu bị mang thai 75.000 đồng/kg; bò sinh sản không mang thai 80.000 đồng/kg; bò sinh sản mang thai 85.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh 1,5 triệu đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất (đối với bò đang khai thác sữa) 3 triệu đồng/con, bò bệnh bị sảy thai (không áp dụng đối với bò chết) 7,5 triệu đồng/con. Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại áp dụng với các trường hợp có đầy đủ hồ sơ.

Công tác thương thảo, chỉ trả bồi thường đang được Công ty Navetco tích cực triển khai. Ảnh: PC.

Công tác thương thảo, chỉ trả bồi thường đang được Công ty Navetco tích cực triển khai. Ảnh: PC.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong phương án và các thỏa thuận giữa Công ty Navetco và người dân thì việc bồi thường thực hiện chi trả 2 lần, trong đó lần 1 thanh toán 50% giá trị bồi thường, hỗ trợ trong 5 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ và lần 2 thanh toán 50% còn lại trong 30 ngày sau lần 1.

Hiện nay, Công ty Navetco đang cùng UBND các xã triển khai thương thảo, thỏa thuận với người dân. Dự kiến hoàn thành việc thương thảo thỏa thuận và chi trả bồi thường đối với các hộ đã thống nhất, thỏa thuận trong tháng 10 và tháng 11/2024.

“Hiện, đàn bò sữa bị bệnh do tiêm vacxin chưa phục hồi hoàn toàn nên xuất hiện một số bò bị bệnh kế phát. Do đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo lực lượng thú y tỉnh và các địa phương tăng cường theo dõi, điều trị, tập trung chăm sóc các con bò sau bệnh để tăng sức đề kháng để phòng, chống bệnh”, ông Vũ Đình Cường cho biết.

Bình luận