Nuôi bò nhốt, hốt tiền

Bình luận · 31 Lượt xem

Nuôi bò thịt nhốt chuồng không tốn công chăn dắt, bò lại lớn nhanh nên rất phù hợp với hình thức nuôi vỗ béo lấy thịt.

Những năm gần đây, do diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, trong khi giá bò lại tương đối ổn định nên tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh người dân đã thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông... sang nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng. Đặc biệt có những hộ đầu tư nuôi quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, trở thành hướng phát triển kinh tế mới.

Mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Lãi 10 - 15 triệu đồng/con

Gia đình ông Nguyễn Văn Ớt trú tại thôn Báo Ân, xã Thạch Mỹ, (Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một trong những hộ dân có truyền thống nuôi bò ở địa phương này. Trước đây gia đình ông chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài, tốn công sức mà hiệu quả kinh tế thấp nên ông đã quyết tâm đổi mới hình thức chăn nuôi.

Sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng hiệu quả, ông Ớt đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi theo hình thức này. Hiện gia đình ông đang nuôi 30 con bò vỗ béo 3B. Ông cho biết, trung bình sau 8 đến 10 tháng nuôi vỗ béo, bò có thể xuất chuồng, tùy thuộc nhu cầu của khách hàng mà xuất bán đúng thời điểm hoặc nuôi lâu hơn.

Theo ông Ớt, nuôi bò nhốt chuồng không tốn công chăn dắt, bò lại lớn nhanh nên rất phù hợp với hình thức nuôi vỗ béo lấy thịt. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, người dân cần lưu ý thời gian và chế độ cho ăn phù hợp để bò lớn nhanh và rút ngắn được thời gian nuôi. Hiện tại, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt đúng quy trình, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ nên đàn bò của gia đình ông phát triển tốt. Với hình thức nuôi gối đàn, lúc nào hệ thống chuồng nuôi của gia đình ông Ớt cũng duy trì hơn 30 con bò. Bình quân mỗi năm gia đình ông xuất bán ít nhất 100 con bò thương phẩm, đem lại thu nhập cao.

Nuôi nhốt chuồng không tốn công chăn dắt, bò lại lớn nhanh nên rất phù hợp với hình thức nuôi vỗ béo lấy thịt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi nhốt chuồng không tốn công chăn dắt, bò lại lớn nhanh nên rất phù hợp với hình thức nuôi vỗ béo lấy thịt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng của gia đình ông Ớt còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài mô hình của gia đình ông Ớt, hiện nay tại thôn Báo Ân (xã Thạch Mỹ) đã có thêm một số hộ đầu tư chăn nuôi bò nhốt chuồng, điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Chiến. Nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh Chiến đã đầu tư xây chuồng trại nuôi bò với quy mô từ 10 - 30 con bò đực.

Cụ thể, anh Chiến tìm mua bò đực giống khoảng 06 - 08 tháng tuổi, nuôi khoảng 12 tháng sẽ xuất bán. Anh cho biết, chi phí đầu tư thức ăn cho một con bò khoảng 10 triệu đồng. Bò thịt ở thời điểm xuất bán có giá từ 45 - 50 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí như con giống, thức ăn và các chi phí khác, mỗi con có thể cho lãi bình quân từ 10 - 15 triệu đồng. Với số lượng bò vỗ béo hiện nay, dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình anh khoảng vài trăm triệu đồng/năm.

Sau khi trừ các chi phí, mỗi con bò có thể cho lãi bình quân từ 10 - 15 triệu đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau khi trừ các chi phí, mỗi con bò có thể cho lãi bình quân từ 10 - 15 triệu đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hướng đi phù hợp

Trước đây, việc nuôi bò dù ít hay nhiều cũng phải có người chăn thả nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra việc nuôi bò chăn thả cũng gặp nhiều rủi ro do nguồn thức ăn, nước uống không đảm bảo. Bò dễ bị nhiễm dịch bệnh cũng như các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ trên đồng ruộng. Tuy nhiên hiện nay, mô hình nuôi bò nhốt chuồng đã giải quyết được những vấn đề trên nhờ chủ động được thời gian chăm sóc và nguồn thức ăn. Hơn nữa bò lai có trọng lượng lớn, phát triển nhanh nên mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ và nuôi bò chăn thả. 

Mặc dù vậy, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả, việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Theo đó, khi chọn bò giống phải chọn bò khỏe mạnh, mông, vai, lưng rộng. Những giống bò được chọn nuôi như bò giống 3B, Charolaise đang được khá nhiều địа phương ưa chuộng. Đây là những giống bò có ngoại hình lớn, nhiều thịt, tỷ lệ thịt xẻ cao, được thương lái ưa chuộng nên bán được giá. Sau khi mua về, người chăn nuôi cần thực hiện công tác tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Bò 3B có trọng lượng lớn, phát triển nhanh nên mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ và nuôi bò chăn thả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bò 3B có trọng lượng lớn, phát triển nhanh nên mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ và nuôi bò chăn thả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Phan Văn Sâm, cán bộ thú y xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) cho biết: Trước đây tại xã Thạch Mỹ người dân thường chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức chăn thả nên mỗi khi xuất hiện dịch bệnh rất khó kiểm soát, rất dễ lây lan. Từ khi áp dụng mô hình nuôi nhốt, bà con đã nhận thấy nhiều yếu tố thuận lợi nên tuân thủ đúng kỹ thuật, dịch bệnh theo đó cũng giảm bớt và gia súc được chăm sóc tốt hơn.

Khác với chăn nuôi bò theo hình thức chăn thả truyền thống, nuôi bò thịt nhốt chuồng khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao bởi người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thịt bò của người tiêu dùng cả nước ngày càng tăng. Do vậy, người chăn nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong khâu nuôi dưỡng để bò tăng trưởng và phát triển nhanh, đảm bảo chất lượng.

Theo ông Lê Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, toàn xã hiện có tổng đàn trâu, bò hơn 800 con. Trong đó mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại địa phương đang ngày càng khẳng định hiệu quả. Nuôi bò nhốt chuồng không những cho hiệu quả về kinh tế, hạn chế dịch bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển số lượng; tăng cường công tác giám sát dịch và phòng, chống dịch bệnh; phát triển chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch vùng; quan tâm chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng đối với các vùng chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới.

Người chăn nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong khâu nuôi dưỡng để bò tăng trưởng và phát triển nhanh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người chăn nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong khâu nuôi dưỡng để bò tăng trưởng và phát triển nhanh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trong điều kiện quỹ đất dành cho sản xuất trồng trọt đang dần bị thu hẹp thì mô hình nuôi bò thịt nhốt chuồng sẽ là hướng đi phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả mô hình này, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh, các hộ dân cũng cần tăng cường liên kết trong hoạt động chăn nuôi và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nuôi, thương lái và các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng hàng hóa.

Bình luận