Người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 211 Lượt xem

Người dân tại Đắk Lắk khi được vận động và nhận thấy lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới đã ủng hộ ngày công lao động, hiến đất và tiền để làm đường.

 

Đắk Lắk phấn đấu có 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025

Ấn tượng đổi thay ở Ea H’đing

Sơn La chọn bản làng làm mới nông thôn

Bình Thuận tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Những ngày này, đến xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) ai cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ cơ sở hạ tầng, đến đời sống người dân.

 

Theo thống kê của UBND xã Ea Kpam trong 6 tháng đầu năm, địa phương tiến hành xây dựng hệ thống đường cờ dọc đường tỉnh lộ 8 đoạn qua thôn 1 bằng nguồn vốn huy động từ nhân dân hơn 60 triệu đồng. Địa phương cũng triển khai các thôn tổ chức tự khai thông cống rãnh, phát quang đường làng ngõ xóm để bảo vệ đường giao thông.

 

Ngoài ra, người dân trên địa bàn không ngừng kiến thiết các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt như xây dựng chỉnh trang nhà ở, tường rào, cổng ngõ… Chính quyền địa phương cũng vận động người dân tại các thôn dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, bỏ ngày công lao động nạo vét các mương nước, nâng cấp đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại.

 

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, từ nguồn vốn trực tiếp cho chương trình nông thôn mới năm 2023 của địa phương là 130 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nhân dân đóng góp là hơn 2 tỷ đồng. Số tiền người dân đóng góp chủ yếu để xây dựng đường giao thông và nâng cấp trụ sở văn hóa.

 

Nhờ những đóng góp tích cực của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, toàn huyện Cư M’gar đã đạt 214/285 tiêu chí chiếm tỷ lệ 75%, bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Đối với bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao trên cơ sở 12 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới so với số tiêu chí nông thôn mới nâng cao mới đạt được 108/228 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 47%, bình quân đạt 9 tiêu chí/xã.

 

Tương tự, xã Ea Na, huyện Krông Ana cũng có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 6/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (gồm: điện, thu nhập, tỷ lệ lao động, tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị và an ninh trật tự), các tiêu chí chưa đạt hầu hết đều khó thực hiện, cần nhiều vốn như cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, y tế…

 

Để hoàn thành được các tiêu chí này, phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó yếu tố then chốt nhất là nguồn lực sức dân trong việc đóng góp kinh phí, đất đai, ngày công lao động… Lãnh đạo UBND xã Ea Na cho biết, địa phương có 12 thôn, buôn (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 26%), đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc kêu gọi đóng góp rất hạn chế.

 

Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã vận động người dân tranh thủ chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước để kiên cố đường giao thông nông thôn và được người dân ủng hộ nhiệt tình. Nhận thấy khi được Nhà nước quan tâm đầu tư, bớt đi một phần chi phí đóng góp lại không còn phải vất vả lưu thông trên những tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy”, các thôn, buôn đã chủ động đăng ký làm đường giao thông nông thôn từ nguồn hỗ trợ này, đồng thời tham gia đóng góp kinh phí, tự nguyện hiến đất để cùng thực hiện.

 

Hiện nay, 100% các tuyến đường tại xã Ea Na đều được nhựa hóa, bê tông hóa kiên cố; trên 90% các trục ngõ, xóm được cứng hóa; trục đường chính nội đồng được bê tông hóa đạt 80%, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn. 

 

Một trong những tiêu chí được đánh giá khó đạt nhất của xã Ea Na là tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Những năm qua, địa phương này đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời phối hợp triển khai và duy trì nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

 

Cụ thể, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị, đoàn thể xây dựng những mô hình thu gom, phân loại rác tại đơn vị, thôn, buôn, như: Mô hình “5 không, 3 sạch”, “Phân loại rác thải”, “Ngày chủ nhật xanh”; phát động trồng cây xanh, phát quang bụi rậm, chỉnh trang hàng rào, cải tạo cổng ngõ, ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng, nương rẫy… 

 

“Đến nay chương trình nông thôn mới tại địa phương đã có nhiều thành tích đáng tự hào. Việc hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan các cấp còn có sự tham gia đóng góp, đồng thuận của người dân địa phương”, lãnh đạo xã Ea Na nói.

 

Trong quá trình xây dựng NTM, toàn thôn Tân Lập đã hiến trên 5.000 m2 đất, hơn 320 triệu đồng tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, người dân còn chủ động đóng góp trên 250 triệu đồng xây dựng hội trường thôn và gần 40 triệu đồng để kéo đường điện chiếu sáng.

Bình luận