Tháo 2 'nút thắt' cơ bản cho ngành hàng rau quả Sơn La

Bình luận · 34 Lượt xem

Được ví như ‘hiện tượng nông nghiệp’, tỉnh Sơn La đang dần hiện thực hóa mục tiêu tỷ đô thu từ xuất khẩu nông sản.

Vùng nhãn bài bản, quy củ của huyện Sông Mã, Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Vùng nhãn bài bản, quy củ của huyện Sông Mã, Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Ban chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản (Ban chỉ đạo 598) tỉnh Sơn La, xác định nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế và tiềm năng, tỉnh Sơn La đã thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các tổ chức, cá nhân trong phát triển vùng nguyên liệu.

Thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại nông sản.

Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La Hà Như Huệ cho biết, đến nay, tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở). Trên địa bàn Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả tại tỉnh như Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở này, một vùng nguyên liệu rộng lớn, quy củ đã được Sơn La xây dựng. Cụ thể, vùng nguyên liệu cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn, với quy mô công suất 100.000 tấn sản phẩm các loại/năm.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Sơn La, nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; xuất khẩu nông sản ngày càng được mở rộng, nhiều thị trường "khó tính" đã chấp nhận nông sản an toàn của Sơn La. Đây chính là “những việc cần làm ngay” để tháo gỡ 2 nút thắt cơ bản là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và chế biến sâu.

Trong nước, công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, tổ chức triển khai có hiệu quả như tổ chức hoặc tham gia các sự kiện.

“Tuần hàng trái cây, nông sản an toàn; hội chợ Thương mại nông sản vùng Tây Bắc; lễ hội hái mận Mộc Châu, ngày hội xoài Yên Châu, ngày hội nhãn Sông Mã....”, ông Hà Như Huệ kể tên một số lễ hội thu hút được sự quan tâm.

Nông sản Sơn La đã đi nhiều vùng miền trên khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông sản Sơn La đã đi nhiều vùng miền trên khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, tổ chức và hỗ trợ các hợp tác xã tham gia tuần hàng giới thiệu và bán nông sản tại các siêu thị và Trung tâm thương mại (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro; Tập đoàn bán lẻ Big C; Vingroup; Công ty TNHH AEON Việt Nam; Siêu thị Lotte…).

Chính quyền Sơn La cũng khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các hợp tác xã để kiểm soát các hộ gia đình thực hiện quy trình sản xuất các loại quả xuất khẩu và liên kết với các doanh nghiệp có đủ điều kiện để giúp tỉnh xuất khẩu các loại quả.

Kết quả, năm 2023, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt 34,6 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt 143,2 triệu USD), tăng 8,99% so với năm 2022, sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt 173.033 tấn. Toàn tỉnh hiện có 300 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45ha phục vụ xuất khẩu.

Bình luận