Nơi nào Chủ tịch huyện quan tâm thì hộ đê phòng lụt tốt

Comments · 123 Views

Diễn biến thiên tai trên thế giới và nước ta cực kỳ khó lường, đòi hỏi phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là.

Phải nêu cao tinh thần cảnh giác

Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê, sáng 5/6, tại Nghệ An, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị liên quan đến vai trò của Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023.

Nội dung hội nghị nhằm quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng các nhiệm vụ trọng tâm khác trong công tác quản lý đê điều, phòng chống thiên tai năm 2023; trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Diễn biến thiên tai ngày một khó lường khiến người dân nhiều phen lao đao. Ảnh: Việt Khánh.

Diễn biến thiên tai ngày một khó lường khiến người dân nhiều phen lao đao. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Trong kế hoạch đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng, là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm.

Qua nắm bắt thực tế, nơi nào Chủ tịch, lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, triển khai quyết liệt, tổ chức thực hiện bài bản, nề nếp thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt thực hiện tốt, tình trạng vi phạm pháp luật ít xảy ra, các tuyến đê cơ bản đảm bảo an toàn chống lũ”.

Từ thực tiễn đó, Thứ trướng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương tập trung công tác quản lý đê điều, tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm vi phạm, tránh sự việc kéo dài.

Hội nghị lần này rất cần thiết, nhất là đặt trong bối cảnh năm 2022 thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, có tính chất cực đoan, trái quy luật. Cả nước ghi nhận 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) với trên 1.000 trận thiên tai đã được thống kê, tần suất quá dày.

Trong năm 2022, huyện nghèo Kỳ Sơn (Nghệ An) là tâm điểm của bão lũ. Ảnh: Quốc Toản. 

Trong năm 2022, huyện nghèo Kỳ Sơn (Nghệ An) là tâm điểm của bão lũ. Ảnh: Quốc Toản. 

Thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay đã làm trên 83.700 người chết và thiệt hại kinh tế trên 330 tỷ USD khắp toàn cầu. Tình hình vẫn rất gay go và khó đoán, như trong tuần qua trên biển phía đông Philippines ghi nhận cơn bão MAWAR với cường độ mạnh nhất, đạt cấp siêu bão...

Dấu hiệu trên cho thấy diễn biến thiên tai trên thế giới và nước ta cực kỳ khó lường, đòi hỏi phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyết đối không được phép chủ quan, lơ là.

Địa phương khó xoay xở

Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, nhiều tỉnh thành trên cả nước có hệ thống đê điều dày đặc nhưng chất lượng công trình không thực sự đảm bảo, trong khi kinh phí đầu tư xây mới, nâng cấp, duy tu, bão dưỡng quá eo hẹp khiến công tác quản lý, vận hành gặp không ít khó khăn.

Đó là chưa kể tình trạng vi phạm pháp luật, xâm lấn, xây dựng trái phép ảnh hưởng đến hành lang công trình. Điều này càng gia tăng nguy cơ thiệt hại khi thiên tai kéo về, bài toán nan giải không dễ tìm ra câu trả lời.

Như thành thông lệ, cứ vào mùa mưa bão là tỉnh Nghệ An phải căng mình chống chịu áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, rét hại, mưa đá, lốc, sét… Nói không ngoa, chính thiên tai, thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân không nhỏ kìm hãm đà phát triển của địa phương này.

Thiếu kinh phí để xây mới, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình đê điều là bài toán hóc búa tại nhiều tỉnh thành. Ảnh: Việt Khánh.

Thiếu kinh phí để xây mới, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình đê điều là bài toán hóc búa tại nhiều tỉnh thành. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh gần 500km, có tác dụng ngăn nước lũ trên các sông, ngăn nước dâng do bão ở các tuyến đê biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho gần 2 triệu người dân và 260.000ha đất ở, đất sản xuất công, nông nghiệp.

Ngoài tác dụng chống lũ, các tuyến đê kể trên còn kiêm vai trò giao thông, mặt đê, cơ đê được kết hợp làm quốc lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên xóm và đường phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tuy nhiên trước tình cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, tần suất thiên tai ngày một dày thêm, cộng với chất lượng đáng quan ngại của của hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là những tuyến đê được gia cố bằng đất, vốn dĩ tuổi thọ cao, vô hình trung tạo ra áp lực khổng lồ cho Nghệ An.

Trong bối cảnh nguồn lực phân bổ còn hạn hẹp, địa phương này đành áp dụng theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó xác định phòng là chính”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Thời gian tới Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương trong công tác ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Đặc biệt, mong Bộ NN-PTNT quan tâm, bố trí kinh phí để hoàn thiện đê Lương Yên Khai tại huyện Thanh Chương, nội dung này cử tri và nhân dân rất mong mỏi”.

Nghệ An là tỉnh có hệ thống hồ đập dày đặc nhưng đa phần xây dựng từ lâu, chủ yếu làm theo phương pháp thủ công nên đối diện với rất nhiều nguy cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Nghệ An là tỉnh có hệ thống hồ đập dày đặc nhưng đa phần xây dựng từ lâu, chủ yếu làm theo phương pháp thủ công nên đối diện với rất nhiều nguy cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Comments