Từ ngày 28-10-2024: Cho xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp

Bình luận · 41 Lượt xem

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định quy định cho xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Quy định nhằm giải quyết nhu cầu thực tế và bức thiết của người sản xuất nông nghiệp, đồng thời hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.

Được xây dựng công trình từ 25-100m2

Lâu nay, vấn đề xây dựng lán trại, nhà kho, sân phơi trên đất nông nghiệp là vướng mắc của nhiều nông dân lẫn các địa phương. Người dân xin phép xây dựng công trình thì không được, vì chưa có quy định; còn tự ý xây dựng là trái phép. Khi chính quyền xử phạt thì mang tiếng làm khó người dân; nếu không xử phạt thì mang tiếng bao che, để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn.

 

Trước thực tế trên, ngày 15-10 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh cho phép xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp là: nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ người lao động; công trình để bảo quản nông sản; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và công trình phụ trợ khác.

Theo quy định mới của tỉnh: khu đất từ 500m2 đến dưới 5 ngàn m2 được xây dựng công trình không quá 25m2; khu đất từ 5 ngàn m2 đến dưới 10 ngàn m2 được xây dựng công trình không quá 50m2; khu đất từ 10 ngàn m2 đến dưới 50 ngàn m2 được xây dựng công trình không quá 75m2 và khu đất từ 50 ngàn m2 trở lên được xây dựng công trình diện tích không quá 100m2.

Tùy theo quy mô diện tích đất sẽ được xây dựng công trình ở các mức độ khác nhau, thấp nhất là 25m2 và cao nhất không quá 100m2. Một khu đất có thể xây dựng 2-3 công trình ở vị trí khác nhau nhưng tổng diện tích không được vượt quá mức quy định. Riêng với đất trồng lúa, đất lâm nghiệp và đất có đất nông nghiệp sử dụng kết hợp trong thửa đất có đất ở thì không được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là vướng mắc lâu nay của tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh dẫn chứng, một khu đất trồng chuối 10-20 hécta, thậm chí rộng hơn, nông dân muốn xây dựng nhà kho để chứa phân bón, xây kho lạnh để bảo quản chuối sau thu hoạch, xây phòng trọ cho người làm ở đều không được. Những vướng mắc này tỉnh rất muốn tháo gỡ nhưng pháp luật không cho phép.

Khi các Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua; luật và các nghị định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực thi hành mở ra cơ chế thông thoáng hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì xây dựng các văn quy phạm pháp luật áp dụng trên địa bàn tỉnh. Quyết định quy định cho xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 28-10-2024.

Tháo gỡ vướng mắc cho nông dân lẫn địa phương

Thời gian qua, tại các địa phương có vùng chuyên canh cây trồng hàng năm, cây lâu năm lớn như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…, người dân đều có nhu cầu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất. Do đó, quy định mới của tỉnh sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho nông dân lẫn chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, xây dựng.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng cho rằng, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là nhu cầu thực tế và bức thiết của các hộ nông dân và cả doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, hạn mức như trên chỉ mới phù hợp với sản xuất nông nghiệp nông hộ, chưa phù hợp với doanh nghiệp, các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn.

Ông Hùng lấy ví dụ, HTX Thanh Bình hiện thu mua hàng trăm hécta chuối của nông dân. Ngoài chuối tươi, HTX còn chế biến nhiều sản phẩm từ quả chuối, làm xơ sợi chuối… Do đó, HTX cần nhà xưởng để rửa chuối, đóng gói chuối, kho lạnh bảo quản chuối tươi khi chưa xuất đi được; khu vực chế biến, xưởng đặt máy móc làm sợi chuối; cần chỗ ở cho công nhân… cộng lại phải cả ngàn m2 mới đủ. Trong khi quy định mới của tỉnh cao nhất là 100m2.

Cùng có ý kiến về nội dung này, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc Đoàn Văn Thiện cho hay, sản xuất nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch theo chủ trương của tỉnh rất cần các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trực tiếp như đã nói ở trên. Ông Thiện băn khoăn quy định này không được áp dụng với đất lúa, trong khi tại huyện Xuân Lộc có những cánh đồng lúa hàng trăm hécta rất đẹp, nếu không có lán trại để nghỉ ngơi, công trình phục vụ khách du lịch thì cánh đồng lúa cũng chỉ là cánh đồng lúa với lãi suất cao nhất 40 triệu đồng/hécta/năm, còn nếu có thêm du lịch sinh thái chắc chắn lợi nhuận sẽ khác. Bên cạnh đó, quy định chưa nhắc đến công trình phục vụ du khách như chỗ ăn, chỗ nghỉ… ở vườn cây kiểu mẫu kết hợp với du lịch.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, nhiều địa phương cho rằng, việc cho phép xây dựng công trình để phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp sẽ giải quyết được bài toán xây dựng trái phép. Đồng thời, quy định đưa ra các hạn mức xây dựng công trình cũng hạn chế được tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.

Để quy định mới sớm được triển khai một cách hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện; tổng hợp khó khăn, vướng mắc để đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện quy định; kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không đúng quy định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp vi phạm pháp luật trên địa bàn quản lý.

Hoàng Lộc

Bình luận