Chú trọng xây dựng chuỗi nông sản an toàn

Bình luận · 221 Lượt xem

Để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Để vững chân tại thị trường thế giới, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cần phải được quản lý chặt chẽ trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều ngành hàng đã và đang nỗ lực hướng đến sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ... Đơn cử ngành hàng cà phê Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hơn 12.086ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Tương tự, nhiều ngành hàng nông sản khác như hồ tiêu, trái cây... cũng đã và đang đẩy mạnh sản xuất sạch, đầu tư công nghệ vào chế biến để tăng năng suất, chất lượng. Mặc dù vậy, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng cao mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Thực tế, trước xu hướng ngày càng nhiều thị trường đưa ra yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm đòi hỏi sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sự đồng hành hỗ trợ của các ngành chức năng, đặc biệt mỗi doanh nghiệp (DN), hợp tác xã… đến nay, cả nước đã có 2.510 chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản an toàn được thiết lập duy trì. Cùng với đó, đã có 151.776ha cây trồng được chứng nhận VietGAP… Dù vậy con số này còn khá khiêm tốn.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và có các thuận lợi thương mại, việc thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn vô cùng cấp thiết. Đây là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để làm được điều này, theo ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương.

Cùng với đó, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành hàng rau, hoa, quả tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, thúc đẩy sản xuất bền vững và tạo ra giá trị sản xuất cao.

Để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước hết Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, DN Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các DN chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.

Theo ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), để tiếp tục nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ NNPTNT sẽ duy trì thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn xử lý và triển khai các biện pháp khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm.

 

Bình luận