Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Bình luận · 31 Lượt xem

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, được Đảng, Nhà nước xác định là “lợi thế quốc gia”, là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Trong nông nghiệp, phân bón là yếu tố đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất, có ảnh h

Những năm qua, trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế thế giới nhiều biến động khó lường tạo nhiều tác động tiêu cực, ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ được sự ổn định, thậm chí tăng trưởng và phát triển ấn tượng. Không chỉ bảo đảm nhu cầu trong nước, nông nghiệp còn góp phần cân bằng, thậm chí tạo lợi thế trong cán cân xuất nhập khẩu. Như năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào trạng thái “đóng băng”, thậm chí thụt lùi, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn đạt kế hoạch đề ra, đạt 42,5 tỉ USD, tăng trưởng 2,74% và đóng góp 23,54% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2022, 2023, thậm chí kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp còn tăng mạnh, đạt trên 53 tỉ USD, tạo ra giá trị thặng dư thương mại lớn, qua đó góp phần giữ vững đà tăng trưởng của nền kinh tế. Ấn tượng hơn, 9 tháng vừa qua, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu của ngành đã tăng tới 21%, đạt hơn 46 tỉ USD, hứa hẹn sẽ lập lên kỷ lục mới trong năm 2024.

Đóng góp của ngành nông nghiệp vào bức tranh kinh tế chung của nước ta là hết sức quan trọng, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả trong thời gian sắp tới. Điều này được khẳng định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 24-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khi nông nghiệp được xác định là “lợi thế quốc gia”, là “trụ đỡ của nền kinh tế”.

Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, vì thế, là chiến lược, là nền tảng để chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh. Và đây cũng là lý do tại sao thời gian qua dư luận có nhiều luồng ý kiến về câu chuyện nên hay không nên đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Bên cạnh phần lớn các ý kiến đồng tình, ủng hộ, cũng có một số ít ý kiến còn hoài nghi, băn khoăn về tính hiệu quả, lợi ích mà việc áp thuế GTGT có thể mang lại cho người nông dân, cho ngành nông nghiệp và xa hơn là cho bài toán bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Nông dân xã Thanh Mỹ (Châu Thành, Trà Vinh) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024

(ảnh: Thanh Hòa - TTXVN)

Vậy câu chuyện này cần được nhìn nhận, tiếp cận như thế nào?

Trở lại năm 2014, khi Quốc hội thông qua và ban hành Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có quy định điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện áp thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá thành sản xuất phân bón, qua đó hỗ trợ người nông dân giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và tạo ra các giá trị thặng dư lớn hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp khi phân bón chiếm 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Việc phân bón bị đưa ra khỏi danh mục hàng hóa chịu thuế GTGT đã bộc lộ nhiều bất cập và kéo theo đó là một loạt hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nước nhà.

Đầu tiên là câu chuyện về giá. Do không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên vật liệu, dịch vụ, máy móc… phục vụ quá trình sản xuất phân bón không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải hạch toán vào chi phí, đưa vào giá thành sản phẩm. Bởi vậy, việc không áp thuế thay vì giảm giá thành sản phẩm và hỗ trợ được nông dân, thúc đẩy được nông nghiệp như kỳ vọng ban đầu lại khiến giá phân bón trong nước tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân và làm giảm/mất tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp đó là vấn đề phát triển bền vững và bài toán bảo đảm an ninh lương thực. Việc giá phân bón sản xuất trong nước tăng do áp lực chi phí đầu vào khi không được áp thuế GTGT đã làm mất lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT (tại các nước, theo chính sách khuyến khích xuất khẩu, thuế suất xuất khẩu phân bón được áp dụng phần lớn là 0% và sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào). Doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước vì thế sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không có khả năng tích lũy để tái đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tối ưu quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, làm ra các sản mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện với môi trường…, thậm chí buộc phải thu hẹp sản xuất, chấp nhận mất thị trường, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Tình trạng này kéo dài sẽ làm triệt tiêu dần nguồn lực của DN sản xuất trong nước, tạo sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Cùng với đó là tình trạng nhập siêu, giảm nguồn thu ngoại tệ và ảnh hướng lớn đến cán cân thương mại xuất - nhập khẩu của nền kinh tế, cũng như không thực hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước về đầu tư, phát triển chế biến sâu các loại tài nguyên, khoáng sản để mang lại giá trị lợi ích cao hơn cho đất nước.

Nếu nhìn xa hơn, đó còn là câu chuyện bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, xu hướng bảo hộ ngày một gia tăng tại các nước, việc không tự chủ được các mặt hàng chiến lược, các loại nguyên phụ liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác, ví như phân bón, có thể sẽ mang lại những rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Thử hỏi, khi chuỗi cung ứng mặt hàng phân bón nhập khẩu bị đứt gãy, khi thị trường có biến động và chúng ta không có hoặc không tự chủ được nguồn cung phân bón, Nhà nước không có công cụ điều tiết, bình ổn, sản xuất nông nghiệp của nước nhà sẽ đi về đâu?

Ngoài ra, việc giá phân bón trong nước tăng còn kéo theo tình trạng phân bón giả, phân bón lậu, phân bón kém chất lượng… Điều này cũng tạo những tác động rất tiêu cực, làm méo mó thị trường phân bón trong nước khi DN sản xuất trong nước buộc phải tìm thị trường xuất khẩu (thuế suất đối với phân bón xuất khẩu là 0% và thuế GTGT đầu vào vẫn được khấu trừ) và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững
Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Còn dưới góc độ DN, rõ ràng, đầu tư vào lĩnh vực phân bón chắc chắn sẽ kém hấp dẫn, nhất là với các dự án sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để làm ra các sản phẩm tiên tiến, thân thiện với môi trường. Hiệu quả đầu tư của các nhà máy sản xuất phân bón cũng không được bảo đảm, có nguy cơ thua lỗ, phá sản…

Từ những phân tích trên để thấy rằng, việc không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón đang dẫn tới, kéo theo những rủi ro, nguy cơ không hề nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp, người nông dân và đối với chính nền kinh tế. Điều này vì thế cũng đặt ra câu hỏi: Nếu phân bón chịu thuế GTGT thì sao?

Việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Dễ thấy nhất là với các DN sử dụng nguyên, vật liệu trong nước sẽ có thêm nguồn lực để nâng cao tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu thông qua việc giảm giá thành sản phẩm, một trong những yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường của mọi DN. Các tính toán cho thấy, nếu được áp thuế, giá phân bón chắc chắn giảm vì phần thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (chi phí nguyên vật liệu, máy móc, dịch vụ… phục vụ sản xuất phân bón trong nước hiện đang chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm và các yếu tố này đang phải chịu thuế GTGT ở mức 5-10%). Tuy nhiên, với các DN sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế GTGT ở cả nước xuất khẩu lẫn Việt Nam thì điều này sẽ ngược lại, áp thuế sẽ khiến giá phân bón tăng. Trong tình huống này, như cách tiếp cận ở trên, việc áp thuế GTGT sẽ mang lại những lợi ích tổng thể, lâu dài cho nền kinh tế, người nông dân hơn khi chúng ta có thể tự chủ được nguồn cung phân bón, giảm thiểu các yếu tố rủi ro, biến động thị trường; đồng thời thúc đẩy sự phát triển, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, các nguyên vật liệu trong nước, qua đó cũng gián tiếp đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Thêm nữa, việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, bởi như đã đề cập ở trên, hầu hết các nước có hoạt động sản xuất phân bón đều đang áp dụng những chính sách ưu đãi xuất khẩu và áp thuế GTGT đối với mặt hàng này. Đây cũng là điều kiện để DN có thêm nguồn lực đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ…, qua đó tối ưu quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện với môi trường cũng như tiếp tục giảm giá bán sản phẩm.

Và điều quan trọng, khi sản xuất phân bón trong nước phát triển, nguồn cung được bảo đảm, chất lượng và hiệu quả ngày một nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu tăng trưởng xanh, tăng trưởng sạch sẽ là cơ sở, nền tảng để ngành nông nghiệp phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của mình, mang lại những giá trị lớn hơn cho đất nước.

Nói như vậy để thấy rằng, việc áp hay không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cần phải được đánh giá, phân tích dựa trên lợi ích tổng thể trên nguyên tắc bền vững, lâu dài và phải có sự chia sẻ giữa Nhà nước, nông dân và DN. Chỉ có như vậy nông nghiệp Việt Nam mới phát triển bền vững, an ninh lương thực mới được bảo đảm và đời sống của người nông dân mới từng bước nâng cao!

Khi sản xuất phân bón trong nước phát triển, nguồn cung được bảo đảm, chất lượng và hiệu quả ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh sẽ là nền tảng để ngành nông nghiệp phát huy tốt nhất tiềm năng, mang lại những giá trị lớn hơn cho đất nước.

Vì sao khi áp thuế GTGT thì giá phân bón sẽ giảm so với không chịu thuế?

Theo Luật Thuế 71 hiện nay, phân bón tuy được gọi là không chịu thuế GTGT, nhưng thực chất trong giá bán sản phẩm phân bón đã bao gồm khoản thuế GTGT đầu vào (thường ở mức thuế suất 10%) mà DN sản xuất phân bón phải nộp cho Nhà nước. Sở dĩ có thuế này là vì DN ứng trước cho Nhà nước và thu lại từ nông dân khi bán hàng, cuối cùng chính nông dân phải gánh khoản thuế này.

Nếu chuyển sang chịu thuế GTGT thì khoản thuế đầu vào kia sẽ được Nhà nước hoàn trả cho DN, còn Nhà nước thu của nông dân thuế đầu ra. Lúc này, nông dân nộp thuế khi mua sản phẩm phân bón, tức thực tế nộp thuế ít hơn so với khi phân bón không chịu thuế GTGT. Do đó, khi áp thuế GTGT phân bón ở mức theo quy định của luật thì giá phân bón đến tay người nông dân sẽ giảm do chịu thuế ít hơn, chính nông dân là người hưởng lợi.

Thanh Ngọc

Bình luận