Theo ông Cao Văn Chí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), với quy mô phát triển cây ăn quả có múi như hiện nay, việc nhân giống ngoài trời không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, không tạo được cây giống sạch bệnh. Do đó, việc nhân giống và cung cấp giống sạch bệnh 3 cấp từ cây đầu dòng đến S0, S1, S2 ra thị trường là chìa khóa phát triển bền vững.
Ông Chí cho rằng, việc tuyển chọn cây có múi đầu dòng, các vườn cây có múi ưu tú có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác nhân giống cây ăn quả có múi sạch bệnh ngày càng được quan tâm và tăng lên hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho công tác nhân giống cây ăn quả có múi sạch bệnh hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống cây ăn quả có múi bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng, tạo cây sạch bệnh để sản xuất cây giống sạch bệnh trong nhà lưới, hạn chế bệnh Greening và Tristeza. Cùng với đó, việc mua bán cây giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường có phần chưa được xử lý triệt để...
Để giải quyết những hạn chế trên, ông Chí cho rằng cần quy hoạch vùng sản xuất giống cây sạch bệnh tại những vùng hiện nay đang trồng và đã có quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi, có điều kiện về đất đai, khí hậu, nguồn nước… phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lại cơ sở sản xuất giống, nâng cao năng lực chuyên môn về sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh cho những người tham gia vào chuỗi sản xuất giống.
Song song đó, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất, nhóm hộ sản xuất, hợp tác xã/doanh nghiệp tham gia sản xuất giống với chính quyền/cơ quan chuyên môn/viện nghiên cứu/nhà khoa học, trong đó xác định rõ trách nhiệm từng bên tham gia trong quá trình sản xuất giống.
Cũng theo ông Chí, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây sạch bệnh để sản xuất cây giống sạch bệnh trong nhà lưới, hạn chế bệnh Greening và Tristeza trên cây ăn quả có múi.
Cụ thể, quy trình sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh được thực hiện trong hệ thống nhà lưới 3 cấp (nhà lưới lưu giữ cây mẹ S0, nhà lưới lưu giữ cây cung cấp mắt ghép S1 và nhà lưới nhân giống tạo cây sạch bệnh S2).
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi có gần 1ha nhà lưới phục vụ sản xuất giống cũng như lưu trữ nguồn gen những cây đầu dòng các loại cây có múi đặc sản trên nhiều vùng miền của đất nước.
Trong đó có 1.600m2 nhà lưới mới được xây dựng, một nửa tiếp tục được dùng để lưu trữ gen và 800m2 được dùng để sản xuất giống sạch bệnh S2. Nhưng theo ông Chí, diện tích này vẫn còn quá hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu thụ giống sạch bệnh của Trung tâm hiện nay.
“Hiện mỗi năm Trung tâm sản xuất được 5 – 10 vạn cây giống nhưng chỉ 1/3 trong số đó được ra đời trong nhà lưới. Phần còn lại vẫn phải sản xuất ngoài trời và phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ vi khuẩn, nấm hay tuyến trùng", ông Chí cho biết.
Theo ông Chí, cây giống sạch bệnh sản xuất trong nhà lưới đang vào khoảng 30.000 đồng/cây - cao gấp 1,5 – 2 lần so với giống sản xuất ngoài trời. Tuy nhiên nhu cầu về giống sạch bệnh của các nhà vườn vẫn rất lớn, nhất là các nhà vườn tái canh cây có múi, quyết tâm đầu tư bài bản ngay từ đầu để có sản phẩm chất lượng cao và phát triển bền vững.
Do đó, mong muốn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là được đầu tư thêm nguồn lực để mở rộng diện tích nhà lưới đạt chuẩn, nâng cao sản lượng cây giống sạch bệnh 3 cấp để cung cấp cho thị trường.
Bên cạnh đầu tư vào hạ tầng, ông Cao Văn Chí cũng nhấn mạnh việc tăng cường sản xuất những giống bưởi, cam (giống chín sớm, chính vụ, chín muộn) chất lượng cao để cơ cấu rải vụ giống cây ăn quả có múi ở các vùng sản xuất tập trung.