Truyền thông chính sách về an toàn thực phẩm

Bình luận · 247 Lượt xem

Ngày 15/8, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) phối hợp với Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức hội thảo quốc gia


Toàn cảnh hội thảo quốc gia về giáo dục, truyền thông và văn hoá an toàn thực phẩm

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Còn nhiều bất cập trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán trong sản xuất, kinh doanh, ăn uống lạc hậu, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Đồng thời nâng cao đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm.

Tại cuộc hội thảo, ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ, an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng và là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài vì tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như các vụ ngộ độc thực phẩm lớn vẫn xảy ra, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới, kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật diễn biến phức tạp”, ông Bùi Ngọc Quý chia sẻ.

Cũng theo ông Quý, hiện nay nhiều điểm nóng về an ninh, an toàn thực phẩm chưa được giải quyết và công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản còn chậm.

Tình trạng vi phạm quy định chất lượng, an toàn thực phẩm trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm còn phổ biến đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Cùng với đó là nhận thức, thói quen sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tập quán sử dụng thực phẩm chưa bảo đảm”, ông Bùi Ngọc Quý nói và cho biết thêm, vấn đề nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn hạn chế.  Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận đã tạo ra những sản phẩm không an toàn.

Ông Bùi Ngọc Quý cho rằng, để thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm thì việc đầu tiên, quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cần chiến lược giáo dục, truyền thông, văn hoá an toàn thực phẩm

Về vấn đề giáo dục, truyền thông, văn hoác an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nêu vấn đề, thực trạng hiện nay là thiếu chiến lược, chiến dịch, chương trình chuyên biệt về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm. Vấn đề giáo dục an toàn thực phẩm hiện nay chưa được coi trọng và truyền thông chính sách về an toàn thực phẩm còn yếu.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng chỉ ra rằng, phần quy định, hướng dẫn về xây dựng văn hoá an toàn thực phẩm các cấp độ hiện nay vẫn còn thiếu. Trong đó bao gồm cơ quan quản lý, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa. Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực đặc biệt có hiểu biết, kỹ năng về giáo dục truyền thông gắn với an toàn thực phẩm tại cơ quan quản lý, tổ chức chính trị xã hội, khối sản xuất kinh doanh…

Giải pháp cho các vấn đề trên, ông Nguyễn Như Tiệp cho hay, cần hoàn thiện chính sách pháp luật. Trong đó ưu tiên xây dựng bộ quy tắc ứng xử và hướng dẫn thực hành xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm các cấp. Ngoài ra cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm đến 2030 và triển khai ngay chiến dịch, chương trình chuyên biệt hàng năm về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

“Chúng ta cần lồng ghép nội dung văn hóa an toàn thực phẩm vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học. Rà soát hài hòa quốc tế chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học thực phẩm. Tổ chức tập huấn nhân sự các cấp quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm về truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm. Cùng với đó là xây dựng mô hình điểm thực hành quy tắc ứng xử văn hóa an toàn thực phẩm tại các cấp độ như hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thương mại, nhà hàng, hộ gia đình để tổng kết đánh giá nhân rộng”, ông Nguyễn Như Tiệp nói.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cũng trình bày báo cáo, tham luận về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ở Việt Nam. Chuyên gia của Canada cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

(NNVN)

Bình luận