Ngăn chặn lãng phí thực phẩm ở châu Âu có thể mang lại những lợi ích to lớn

Bình luận · 100 Lượt xem

Nghiên cứu mới cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu tiêu tốn quá nhiều nguồn tài nguyên toàn cầu một cách không cần thiết, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đang kêu gọi cần hành động. Nhiều loại thực phẩm đ?


 

Marianne Thomsen, trưởng nhóm nghiên cứu và Giáo sư về hệ thống thực phẩm bền vững, cho biết: “Giảm một nửa thất thoát và lãng phí lương thực ở châu Âu, cùng với việc phân phối lại nguồn lương thực toàn cầu, có thể giải quyết những thách thức về tình trạng thiếu lương thực trên thế giới”.

Marianne Thomsen tin rằng đây là lý do tại sao các quốc gia nên đầu tư vào các giải pháp để giảm thất thoát và lãng phí lương thực ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Lợi ích từ việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm

Các tính toán kịch bản của các nhà nghiên cứu cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giảm một nửa lượng lương thực thất thoát và lãng phí dọc theo chuỗi cung ứng thực phẩm liên quan đến tiêu thụ thực phẩm của châu Âu. Giảm một nửa thất thoát và lãng phí lương thực trong chuỗi cung ứng thực phẩm của châu Âu tương đương với việc giảm 8% lượng khí thải nhà kính do tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu, cùng với đó là tiết kiệm được 6% diện tích nông nghiệp và 6% diện tích chăn thả - tổng cộng bằng 12% diện tích của các khu vực nông nghiệp -- vì các khu vực chăn thả được sử dụng để chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, người dân châu Âu còn tiết kiệm được 7% lượng nước tiêu thụ và 14% năng lượng sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Marianne Thomsen hướng tới việc giám sát và báo cáo tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm của tất cả các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm như một công cụ chính sách quan trọng.

Marianne Thomsen nói: “Một công cụ chính sách như vậy, được hỗ trợ bởi các loại công cụ chính sách khác, có thể là động lực mạnh mẽ để các công ty và phần còn lại của xã hội đầu tư thời gian và tiền bạc vào công nghệ mới và hợp tác để ngăn ngừa thất thoát và lãng phí lương thực”.

Marianne Thomsen cũng đưa ra một số ví dụ về những nơi có thể ngăn ngừa lãng phí thực phẩm: “Các công ty có thể hợp tác để đổi mới bền vững trong sự cộng sinh tuần hoàn, trong đó các dòng phụ được sử dụng để sản xuất các nguyên liệu và sản phẩm tái chế. Một ví dụ khác, ngành dịch vụ có thể áp dụng các nguyên liệu tái chế được sản xuất từ thực phẩm dư thừa trong khu vực bán buôn, đồng thời thúc đẩy người tiêu dùng lấy những phần nhỏ hơn”.

Kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia dựa trên lượng khí nhà kính do từng quốc gia thải ra từ hoạt động sản xuất lương thực xảy ra trong biên giới địa lý của họ. Các tính toán mới áp dụng phương pháp tính toán dựa trên tiêu dùng. Điều này bao gồm dấu chân khí hậu từ thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu ở các nước châu Âu, đồng thời loại trừ thực phẩm sản xuất trong nước xuất khẩu sang các nước khác.

Marianne Thomsen cho biết: “Việc cắt giảm 50% thất thoát và lãng phí lương thực do tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu gây ra đòi hỏi sự can thiệp chính trị, đồng thời các biện pháp can thiệp chính sách cũng phải được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh quốc gia cũng như các thách thức cụ thể của khu vực và địa phương”.

Các tính toán cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các vùng trong việc quyết định loại hình can thiệp hiệu quả nhất. Điều đó nói lên rằng, người Tây Âu có tiềm năng giảm tác động đến môi trường nhiều nhất, đặc biệt là Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan. Ngoài ra, các quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội thấp hơn như Hy Lạp, Croatia, Bulgaria và Romania có tiềm năng lớn trong việc ngăn chặn lãng phí thực phẩm. Ngành nông nghiệp cho thấy tiềm năng lớn nhất trong việc giảm dấu chân khí hậu, trong khi tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất nằm ở ngành dịch vụ, bao gồm căng tin, khách sạn và nhà hàng.

Các tính toán dựa trên sản xuất và thương mại lương thực thế giới năm 2018. Bằng cách giảm 50% thất thoát và lãng phí lương thực do tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu, bạn có thể giảm 51 triệu tấn CO2 (8%); 106.446 km2 đất nông nghiệp (6 %); 55.523 km2 đất chăn thả (6 %); Tiết kiệm 4,6 tỷ m3 nước (7 %); Tiết kiệm năng lượng 131 terawatt-giờ (14 %).

Lê Hồng Vân (Theo sciencedaily)

Bình luận