Xuất khẩu thanh long sang thị trường Anh vẫn theo quy định hiện hành

Bình luận · 230 Lượt xem

Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngày 11/7, Vương quốc Anh có thông báo về việc bắt đầu rà soát và dự thảo sửa đổi Quy định 2019/2023 về gia tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số hàng h


 

 

Theo đó, Vương quốc Anh chuyển kiểm tra thanh long từ Phụ lục 2 - Danh mục thực phẩm phải kiểm soát tại nguồn, thực hiện tại nước xuất khẩu (thường gọi là xuất khẩu kèm chứng thư) sang Phụ lục 1 - Danh mục thực phẩm không phải kiểm soát tại nguồn, chỉ thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu nước nhập khẩu.

Kèm theo, phía bạn tăng tần suất kiểm tra (lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm) từ 20% lên 50% tại cửa khẩu.

Ngay sau khi nhận thông báo, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp số liệu kiểm tra xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu, rà soát thông tin cảnh báo thanh long thị trường EU và Vương quốc Anh.

Dựa trên kết quả rà soát và đánh giá tình hình thực tế, Cục nhận thấy việc Vương quốc Anh chuyển biện pháp kiểm soát thanh long từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 là giảm cấp độ kiểm soát.

Việc thay đổi của Vương quốc Anh là hoạt động xem xét thường xuyên, định kỳ của các nước về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Hơn nữa, những nội dung thông báo mới chỉ là dự thảo.

Việc Vương quốc Anh đề xuất chuyển thanh long sang Phụ lục 1 chứng tỏ họ đánh giá việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại Việt Nam tốt hơn trước.

Tuy nhiên, đề xuất này lại đi kèm việc nâng tần suất kiểm tra ở cửa khẩu lên 50%, thay vì giữ nguyên là 20% như EU. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín mặt hàng thanh long của Việt Nam hơn là biện pháp kiểm soát từ nguồn, đồng thời làm tăng chi phí kiểm tra và lưu kho bãi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật cho rằng Vương quốc Anh vẫn đang áp dụng hệ thống các quy định chung của EU về kiểm soát về toàn toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm. Do đó, phía bạn nên áp dụng cùng một biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm như EU để thúc đẩy giao thương.

Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi Công văn số 1892/BVTV-ATTP ngày 26/7 gửi Cơ quan An toàn thực phẩm Vương quốc Anh (FSA và FSS) đề nghị giữ nguyên các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm với thanh long. Đồng thời đề nghị phía bạn cung cấp các bằng chứng, tần suất cảnh báo rủi ro các lô thanh long của Việt Nam.

Trong lúc chờ phản hồi và thông tin thêm từ đối tác, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tổ chức, cá nhân kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giấy tờ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thanh long trước khi xuất khẩu đảm bảo đúng quy định nhập khẩu của Vương quốc Anh.

Với người sản xuất, Cục khuyến cáo kiểm soát tốt vùng trồng, thực hiện đầy đủ những biện pháp giám sát, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Với doanh nghiệp xuất khẩu, Cục lưu ý thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định của Vương quốc Anh, EU về thanh long, cũng như các vấn đề liên quan trong Hiệp định UKVFTA và EVFTA.

Cục Bảo vệ thực vật cam kết cung cấp đầy đủ bằng chứng, số liệu khoa học và cơ sở pháp lý liên quan đến cơ quan thẩm quyền của Vương quốc Anh để phía bạn tiếp tục áp dụng quy định hiện hành đối với thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Do việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Vương quốc Anh vẫn theo quy định hiện hành, chưa có quy định mới nên Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ để đưa tin chính xác, tránh gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến uy tín và chất hàng nông sản của Việt Nam./.

 

(Congthuong.vn)

Bình luận