Quảng Ngãi: Gần 8 tỷ đồng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn
Tăng hỗ trợ, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng
Đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm
Cần chính sách lớn trồng cây phân tán
Tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Quyết định 1631 QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ đối với một số hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hỗ trợ trồng và chăm sóc rừng phòng hộ 30 triệu đồng/ha (một năm trồng và 3 năm chăm sóc). Cụ thể hỗ trợ 11 triệu đồng/ha để trồng, chăm sóc rừng năm thứ nhất (gồm chi phí mua cây giống, thiết kế và quản lý dự án). Hỗ trợ 7 triệu đồng/ha/năm để chăm sóc rừng năm thứ 2 và năm thứ 3, riêng chăm sóc rừng năm thứ 4 được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với trồng rừng sản xuất bằng các loài cây lấy gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ. Tiền hỗ trợ để mua cây giống (kể cả trồng dặm), phân bón và một phần chi trả nhân công cho người trồng rừng.
Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên (có trồng bổ sung), hỗ trợ 7,5 triệu đồng/ha. Trong đó trồng, chăm sóc rừng năm thứ nhất được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha, năm thứ hai và năm thứ ba mỗi năm hỗ trợ 1,6 triệu đồng/ha, ba năm tiếp theo mỗi năm hỗ trợ 6 trăm nghìn đồng/ha. Tất cả số tiền hỗ trợ này đã bao gồm cả 3% chi phí quản lý dự án.
Đối với các dự án, hoạt động trồng, chăm sóc rừng khác không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quyết định này, thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành.
Với quy định mới này, người dân, doanh nghiệp tham gia trồng, chăm sóc rừng theo dự án sẽ được hỗ trợ mức cao hơn nhiều so với trước đây.
Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp gần 418.000ha (trong đó rừng đặc dụng 27.593ha, rừng phòng hộ hơn 83.000ha và 306.481ha rừng sản xuất) chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 73,35%. Tuy nhiên khó khăn là trong hơn 306.000ha rừng sản xuất, diện tích rừng tự nhiên (rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất) không được phép cải tạo, trồng cây mới chiếm khá lớn.
Tuy nhiên, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất hiện nay rất thấp (400.000 đồng/ha/năm đối với xã khu vực II, III và 300.000 đồng/ha với xã khu vực I). Trong khi đó mức khoán bảo vệ rừng đặc dụng mới được 100.000 đồng/ha/năm. Do mức khoán bảo vệ rất thấp nên thu nhập từ các hoạt động bảo vệ rừng của người dân ít. Điều này dẫn đến tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất có chiều hướng gia tăng.
Theo quy định, rừng tự nhiên không được phép cải tạo, trồng mới, nhưng tại Bắc Kạn một phần diện tích đã được quy hoạch là rừng tự nhiên nhưng là đất đã giao cho người dân quản lý, trước đây họ vẫn trồng rừng. Ngoài ra nhiều diện tích rừng tự nhiên nhưng thực chất chỉ là rừng nghèo kiệt, nhưng người dân cũng không được cải tạo để trồng mới. Vấn đề này đang trở thành “nút thắt” kìm hãm phát triển kinh tế rừng tại Bắc Kạn suốt nhiều năm qua.
Thời gian gần đây trồng rừng đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong xóa nghèo, làm giàu của người dân tỉnh Bắc Kạn. Đa số người dân sống ở vùng nông thôn, nguồn thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào trồng và khai thác rừng. Điều này cũng đặt ra áp lực vừa phải giữ rừng tự nhiên, vừa mở không gian để người dân phát triển kinh tế. Do đó, với nguồn hỗ trợ tăng lên đáng kể theo Quyết định 1631 QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Bắc Kạn tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa kinh tế rừng (trồng, chế biến các sản phẩm từ gỗ) trở thành ngành chủ lực của địa phương trong những năm tới.