Nuôi cá tầm trong bể, năng suất hơn 18kg/m2

Bình luận · 36 Lượt xem

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tầm Nga và cá tầm Xiberi trong bể cho tỷ lệ sống trên 80%, năng suất trên 18kg/m2, cá nuôi sau 12 tháng đạt 1 - 2,5kg/con.

Lâm Đồng - thủ phủ nuôi cá nước lạnh

Tại hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) tổ chức mới đây tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Lê Văn Diệu (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) cho biết, cá tầm là đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Chúng được di nhập và phát triển nuôi tại những khu vực miền núi của Việt Nam, nơi có nhiệt độ nước quanh năm dưới 26 độ C, hiện được gọi chung là nghề nuôi cá nước lạnh.

Theo ông Diệu, nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam đã hình thành và phát triển trong gần 20 năm qua. Đến nay có gần 30 tỉnh thành nuôi cá tầm với sản lượng ước tính khoảng 4.000 tấn/năm.

Khu vực phát triển nuôi cá tầm tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... và một số khu vực miền núi của các tỉnh duyên hải miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận…

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có nghề nuôi cá tầm phát triển nhất cả nước. Đến năm 2023, toàn tỉnh này đã có gần 100 trang trại nuôi cá tầm của các doanh nghiệp, tổ chức, nông hộ với tổng sản lượng đạt trên 2.000 tấn, chiếm trên 50% sản lượng cả nước.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có trên 54ha nuôi cá nước lạnh của 108 cơ sở, trong đó 23 cơ sở của doanh nghiệp, hợp tác xã và 76 cơ sở nuôi quy mô hộ gia đình, chủ yếu nuôi cá tầm trong ao, bể và 9 cơ sở nuôi lồng bè.

Hiện tỉnh Lâm Đồng nuôi cá nước lạnh đạt sản lượng trên 2.000 tấn/năm. Ảnh: MH.

Hiện tỉnh Lâm Đồng nuôi cá nước lạnh đạt sản lượng trên 2.000 tấn/năm. Ảnh: MH.

Đây là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh nên ngành nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ cho 1 cơ sở sản xuất giống cá tầm bố mẹ của Công ty TNHH Đà Lạt Caviar tại huyện Lạc Dương thuộc chương trình phát triển giống chủ lực quốc gia nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo cung cấp nhu cầu về con giống cá tầm phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, để nuôi cá nước lạnh hiệu quả, việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật được tỉnh quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, địa phương đã thực hiện một số nhiệm vụ khoa học công nghệ được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất như đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng; đề tài nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) tại Lâm Đồng; đề tài nghiên cứu tìm hiểu tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn trên cá hồi và cá tầm nuôi tại Lâm Đồng; dự án phát triển giống cá nước lạnh; dự án hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm...

Các nghiên cứu đã ứng dụng vào sản xuất và góp phần hoàn thành chu trình khép kín về cá nước lạnh từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đóng góp rất lớn vào sự phát triển nghề cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng.

Tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tầm

Tại hội thảo, ông Lê Văn Diệu đã giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tầm Nga và cá tầm Xiberi trong bể. Đây là công nghệ nuôi đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu, hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất đại trà, bao gồm công nghệ nuôi nước chảy trong bể, ao lót bạt và công nghệ nuôi lồng trên hồ chứa. Trong đó, mô hình ứng dụng nuôi cá tầm theo công nghệ nuôi nước chảy trong bể phát triển rộng rãi nhất và mang lại sản lượng cao nhất.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nuôi cá tầm hiệu quả. Ảnh: MH.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nuôi cá tầm hiệu quả. Ảnh: MH.

Theo quy trình này, bể nuôi được xây xi măng hoặc bê tông hay bể lót bạt nhựa PVC (lót toàn bộ bể). Bể hình chữ nhật hoặc hình tròn, với diện tích từ 50 - 200m2, độ sâu từ 1,2 - 1,6m, mức nước 0,3 - 1,2m. Bể có 1 mương hoặc 1 - 2 ống nước cấp và 1 cống thoát nước riêng biệt; thành bể nhẵn; đáy bể bằng phẳng và hơi nghiêng về phía cống thoát nước. Phía trên thành bể có ống xả tràn, chiều cao của ống xả bằng chiều cao của mức nước trong bể. Bên cạnh đó, bể nuôi trang bị các thiết bị sục khí tùy thuộc vào diện tích (bể nhỏ 50m2 dùng sục khí 750w, bể 100 - 200m2 dùng máy bơm 750 - 1.200W). Ngoài ra còn có hệ thống che nắng cho bể, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải...

Đối với bể nuôi mới cần xử lý sạch xi măng bằng cách cho nước vào đầy bể, ngâm ít nhất 7 ngày (ngâm cùng thân cây chuối, phèn chua...), tháo cạn và cọ rửa nhiều lần, sau đó phơi khoảng 2 - 3 ngày rồi cấp nước sử dụng. Trước khi sử dụng kiểm tra xem còn mùi xi măng không nhằm tránh làm chết cá khi nuôi.

Nuôi cá tầm thường sử dụng nguồn nước chảy từ các sông suối, hồ tự nhiên, hồ chứa hoặc mạch ngầm… Nguồn nước nuôi cá tầm được kiểm tra chất lượng trước khi cấp vào bể nuôi với mức nước từ 30 - 70cm tuỳ thuộc vào cỡ cá nuôi. Ví dụ cá giống có khối lượng khoảng 15g mức nước trong bể là 30 - 40cm. Nước nuôi cá tầm được chảy vào bể liên tục, đồng thời nước thải cũng được chảy ra, đảm bảo thay nước 100% trong quá trình nuôi.

Nguồn nước cấp vào bể nuôi cá tầm phải liên tục. Ảnh: MH.

Nguồn nước cấp vào bể nuôi cá tầm phải liên tục. Ảnh: MH.

Mùa vụ nuôi thương phẩm cá tầm có thể quanh năm, song tốt nhất nên thả vào tháng 2 - 3 hàng năm, hạn chế thả nuôi vào mùa mưa lũ (khoảng tháng 6 - 10 hàng năm đối với vùng Tây Nguyên). Mật độ thả từ 12 - 15 con/m2, kích cỡ cá giống khối lượng ≥15g/con.

Thức ăn nuôi cá tầm chủ yếu là thức ăn công nghiệp, dạng viên chìm, có hàm lượng protein từ 43 - 46%, hàm lượng lipid ≥12%. Mỗi ngày cho cá ăn 4 lần vào các thời điểm 5 - 6 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ.  Khẩu phần cho cá ăn hàng ngày ăn từ 1,5 - 4% tổng khối lượng đàn cá, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và điều kiện nhiệt độ môi trường nước.

Hàng ngày, người nuôi cần theo dõi tình hình sử dụng thức ăn của cá, nếu dư hoặc thiếu cần điều chỉnh cho phù hợp.

Định kỳ 30 ngày/lần, người nuôi cần tiến hành lọc cá. Trước khi lọc cá phải cho cá nhịn ăn 1 ngày để tránh cá bị stress. Việc lọc cá được thực hiện bằng cách bắt từng con, lựa chọn những cá thể cùng kích thước nuôi để tránh cạnh tranh thức ăn, giảm năng suất, tránh hao hụt khi thu hoạch.

Hàng ngày cũng cần theo dõi các chỉ số môi trường (nhiệt độ, oxy) trong bể nuôi để điều chỉnh kịp thời. Nếu nhiệt độ >26 độ C cần giảm số lần ăn trong ngày của cá, nhiệt độ >28 độ C không cho cá ăn, đồng thời tăng độ sâu của nước lên cao hơn so với bình thường nếu nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Kiểm tra nhiệt độ trong bể nuôi cá tầm. Ảnh: KS.

Kiểm tra nhiệt độ trong bể nuôi cá tầm. Ảnh: KS.

Nếu DO giảm (<6 mg/l) cần bổ sung sục khí cho cá, giảm số lần ăn trong ngày của cá để tránh cá bị stress.

Ngoài ra, hàng ngày cần theo dõi nguồn nước cấp cho bể nuôi. Trường hợp có mưa lớn, nguồn nước cấp cho bể nuôi bị đục phù sa thì ngừng lấy nước vào bể và đóng ống xả tràn của bể. Tiến hành vận hành máy sục khí cho bể nuôi trong quá trình ngừng lấy nước, công suất máy sục khí tuỳ thuộc vào diện tích bể nuôi.

Sau thời gian nuôi từ 12 - 18 tháng, tỷ lệ sống trên 80%, cỡ cá thu hoạch sau 12 tháng từ 1 - 2,5kg/con, FCR 1,6 - 1,8, năng suất trên 18kg/m2.

Theo quy trình này, phòng bệnh tổng hợp cho cá bằng cách tắm nước muối định kỳ 2 tuần/lần với liều lượng 2 - 3% trong 30 - 60 phút. Khi tắm cá, cần ngừng cấp nước và sử dụng máy bơm hoặc sục khí để tạo oxy cho cá.

Bình luận