Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân thành phố thì xây dựng nông thôn gắn với phát triển đô thị bền vững, xây dựng đô thị thông minh, ấp xã thông minh là xu hướng tất yếu.
Hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho nông dân là điều TP HCM cần phải làm. Bên cạnh đó, phải đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân, phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tích hợp giữa chuỗi giá trị - chuỗi cung ứng và thay đổi phương thức quản lý, nhằm phòng ngừa hạn chế rủi ro thiên tai và dịch bệnh.
Phải truyền tải đến nông dân tư duy hệ thống thích ứng với mô hình "khai thác - sản xuất - sử dụng - tái sử dụng - tái chế". TP HCM cần xem xét lại các vấn đề như: xác nhận lại đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ, công nhận vùng sản xuất an toàn; quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống phải được ban hành cho từng loại cây, con giống cụ thể…
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại HTX Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái có thể gắn kết với các đơn vị làm du lịch để hình thành các tuyến tour, tuyến du lịch mới để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu UBND TP HCM ban hành và triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đến năm 2025 và những lộ trình tiếp theo, trong đó xác định rõ những giải pháp cần triển khai thực hiện để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông - lâm - thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu...
Để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị, cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch triển khai các chiến lược, cơ chế tài chính; duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống...
Ngoài ra, để thực hiện được các mục tiêu phát triển nông nghiệp đến năm 2030 và những năm tiếp theo theo lộ trình định sẵn, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; đề ra các giải pháp khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Các ngành có liên quan cần đề ra các giải pháp đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; xúc tiến khâu tiêu thụ sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; đề xuất cơ chế, chính sách là cấp bách.
Thành phố cần lắng nghe, nắm bắt, thấu hiểu, sẻ chia và kịp thời chỉ đạo, định hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của nông dân...
Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất - kinh doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản...