Các tổ chức hội ngành nghề tại huyện Quỳnh Nhai đã không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Để không ngừng phát triển mạng lưới tổ chức hội, 11 hội ngành nghề các xã đã tích cực vận động hội viên, liên kết, thành lập thêm chi hội, tạo môi trường hoạt động chung cho những hộ nông dân có cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phát triển mở rộng hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, như: Nuôi ong lấy mật, nuôi thủy sản, làm kinh tế VAC, sinh vật cảnh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
Ông Điêu Chính Lượng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp - nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Hội chú trọng tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, liên kết hoạt động của các chi hội theo hướng dẫn của tỉnh hội và huyện Quỳnh Nhai. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá... Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh hội, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại các huyện trong tỉnh để có kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Phát huy lợi thế của từng vùng, các chi hội ngành nghề nông nghiệp tại cơ sở đã tích cực phát triển hội viên mới, liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất. Tiêu biểu ở 2 xã vùng cao Chiềng Khay và Mường Giôn có ưu thế về nghề nuôi ong lấy mật, trong 5 năm qua, đã có 9 chi hội nuôi ong mật được thành lập mới, nâng tổng số chi hội nuôi ong mật của huyện lên 14 chi hội với gần 200 hội viên, nuôi 3.135 đàn ong. Năm 2024, sản lượng mật ong cho thu hoạch đạt 27,6 tấn, đem lại doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng cho các thành viên.
Ông Lý Sĩ Di, bản Huổi Văn, xã Mường Giôn, phấn khởi: Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi thử nghiệm vài đàn ong mật, về sau thấy đạt năng suất cao và được chi hội nuôi ong mật kết nạp thành viên, động viên gia đình tiếp tục phát triển mô hình. Đến nay, gia đình tôi có hơn 100 đàn ong mật, mỗi năm thu hoạch gần 800kg mật, thu nhập từ 120 - 130 triệu đồng/năm, giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu ổn định.
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, hội còn vận động hội viên tích cực chuyển đổi cây trồng, con nuôi, triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng cây ăn quả có múi tại xã Nặm Ét; trồng mắc ca tại Mường Giôn và Chiềng Khay; trồng chuối, xoài tại Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh; nuôi thủy sản ở Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Sại...
Đến nay, toàn huyện đã có gần 2.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt trên 5.500 tấn. Duy trì và phát triển hơn 300 ha cây mắc ca với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung tại các xã vùng cao. Nhiều chi hội tích cực và năng động trong sản xuất nông nghiệp, học hỏi các kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình với sản phẩm gạo nếp tan, tinh dầu sả Java tại xã Chiềng Khoang đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Phát huy lợi thế về mặt nước lòng hồ, 49 chi hội về nuôi thủy sản có hơn 4.300 lồng cá, sản lượng nuôi thủy sản hàng năm đạt trên 1.500 tấn, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.
Ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Bằng, thông tin: Nuôi cá lồng là ngành nghề thế mạnh của nông dân xã Chiềng Bằng. Hiện tại, toàn xã đang duy trì 5 chi hội ngành nghề về nuôi, đánh bắt thủy sản, nuôi hơn 2.600 lồng cá với đa dạng chủng loại cá, như: Trắm, chép, lăng, nheo, rô phi đơn tính... Năng suất đạt bình quân 270-300 kg/lồng/năm, sản lượng thu hoạch đạt trên 700 tấn/năm, thu nhập đạt trên 190 triệu đồng/hội viên/năm. Nhiều hội viên còn năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản để tăng khả năng tiêu thụ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Hội Ngành nghề nông nghiệp - nông thôn huyện Quỳnh Nhai tiếp tục vận động hội viên triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, tăng cường các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, gắn kết các hộ sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển đa dạng ngành nghề nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.