Tái đàn đón thị trường Tết: Người tự tin người e dè dịch bệnh

Bình luận · 34 Lượt xem

Sau khi vệ sinh môi trường, sửa chữa chuồng trại, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn vật nuôi để đón đầu nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng cao vào cuối năm.

Rục rịch tái đàn

Theo thống kê, đợt thiên tai lịch sử vừa qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm chết hơn 300.000 con gia cầm, hơn 800 con gia súc, chủ yếu là lợn. Thiệt hại tập trung ở những cơ sở chăn nuôi dọc 2 bên bờ sông Cầu tại huyện Phú Lương, Phú Bình, TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên. Bước đầu, tỉnh Thái Nguyên xác định ngành chăn nuôi thiệt hại trên 50 tỷ đồng do thiên tai gây ra.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, ngay khi mưa lũ đi qua, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các bước để xử lý môi trường, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, thu gom xử lý chất thải chăn nuôi.

Đặc biệt, yêu cầu bà con dọn dẹp vệ sinh, quét dọn, cạo, cọ rửa… xong mới sử dụng hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi. Định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các hóa chất sát trùng theo quy định. Ngay khi lũ rút, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Công tác vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc các cơ sở chăn nuôi được tỉnh Thái Nguyên xác định là cơ sở để tái đàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Công tác vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc các cơ sở chăn nuôi được tỉnh Thái Nguyên xác định là cơ sở để tái đàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đến thời điểm hiện tại, sau khi hoàn thành việc vệ sinh môi trường, sửa chữa chuồng trại, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn vật nuôi do càng về giai đoạn cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ tăng từ 30 - 40%.

Có trang trại chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, hiện gia đình ông Trần Hải Phong (xã Nam Tiến, TP. Phổ Yên) đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để kịp tái đàn cho lứa gà tới, nhằm phục vụ cho thị trường cuối năm.

Theo ông Phong, ngay sau khi mưa lũ qua, các hộ chăn nuôi đã được chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ công tác khử trùng tiêu độc, kiểm tra chuồng trại đảm bảo an toàn trước khi tái đàn.

“Đồng thời, chúng tôi cũng được hỗ trợ tiêm vacxin phòng chống các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn về việc phân bổ vào đàn một cách phù hợp để không xảy ra dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ. Chính vì vậy, người chăn nuôi gia cầm như chúng tôi đều rất yên tâm khi tái đàn”, ông Trần Hải Phong chia sẻ và bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ trong việc vay vốn nhằm tái thiết sản xuất trong thời gian tới.

Người chăn nuôi lợn Thái Nguyên vẫn e dè tái đàn do lo ngại dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người chăn nuôi lợn Thái Nguyên vẫn e dè tái đàn do lo ngại dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuy nhiên, trái ngược với tâm thế của những người chăn nuôi gia cầm, hiện phần lớn những hộ chăn nuôi lợn tại địa phương lại đang có phần lo ngại, e dè trong việc tái đàn. Điển hình như ông Nguyễn Quốc Hoành, có trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên.

Vừa qua, tuy chuồng trại chăn nuôi của ông Hoành không bị ảnh hưởng quá lớn bởi mưa bão, lũ lụt nhưng hiện người chăn nuôi lại đang rất lo ngại về vấn đề an toàn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.

“Đầu tháng 6 năm nay đã có 1 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh tại huyện Võ Nhai với hơn 130 con lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh, phải tiêu hủy hơn 3.200kg. Chưa kể đến việc vừa qua các tỉnh giáp ranh với Thái Nguyên là Bắc Kạn và Lạng Sơn đều bị bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Chính vì thế người chăn nuôi lợn đều có chung mối lo ngại dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ hoàn toàn có khả năng gây thiệt hại nặng nề hơn là do bão lũ gây ra”, ông Nguyễn Quốc Hoành bộc bạch.

Chính vì vậy, mặc dù biết thời điểm cuối năm nhu cầu về thực phẩm tăng cao nhưng người chăn nuôi lợn tại địa phương xác định sẽ chỉ tái đàn khi các cơ sở chăn nuôi đảm bảo yêu cầu về an toàn dịch bệnh. “Thời điểm này tôi sẽ vào đàn từ từ, vừa tái đàn vừa nghe ngóng tình hình. Đợt này, tôi sẽ chỉ tái đàn tối đa 600 con, đạt 50% công suất của trang trại là 1.200 con nái”, ông Hoành cho biết.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân rắc vôi khử trùng cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân rắc vôi khử trùng cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh

Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại về chăn nuôi, thủy sản để chủ động cho việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh động vật theo quy định.

Lực lượng thú y cũng đã tăng cường công tác quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi, không để xảy ra tình trạng chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch.

“Chúng tôi đã yêu cầu người dân không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Do đó, để đủ điều kiện tái đàn, đàn vật nuôi cần phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định”, ông Đỗ Đình Trung nhấn mạnh.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã yêu cầu các địa phương rà soát, tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 theo đúng quy định. Trong đó đặc biệt quan tâm tiêm các loại vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi ở những nơi đã xảy ra dịch bệnh, có nguy cơ cao, nơi bị ngập, lụt... bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vacxin và hoàn thành trong tháng 10/2024.

Người dân sử dụng chế phẩm vi sinh tạo vùng đệm lót sinh học cho chuồng trại. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Người dân sử dụng chế phẩm vi sinh tạo vùng đệm lót sinh học cho chuồng trại. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục ở trâu bò.

Hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để tiến hành điều tra ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm chết; không vứt xác động vật ra ngoài môi trường.

Đơn vị cũng đã tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Từ đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật có triệu chứng lâm sàng, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…

"Đặc biệt, các phòng, trạm trực thuộc Chi cục cũng tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra, đôn đốc lực lượng thú y cơ sở thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Kịp thời phát hiện và xử lý khi ổ dịch còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan ra diện rộng…”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên thông tin.

Bình luận