Đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động nông thôn

Bình luận · 22 Lượt xem

Làm nông nghiệp là một nghề chính thống và truyền thống của nông dân từ trước tới nay. Tuy nhiên, để lao động nông nghiệp của tỉnh có trình độ chuyên môn thì cần phải tổ chức các lớp đào tạo nghề, qua đó, nâng cao trình

Mặc dù kinh tế nông nghiệp chiếm lớn trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh và nông dân sản xuất nông nghiệp được truyền từ đời này sang đời khác, song nông dân tiến hành sản xuất từ trước tới nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà chưa được qua đào tạo, do đó, kết quả sản xuất phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Những năm gần đây, việc đào tạo nghề cho nông dân được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác này. Nhờ đó, mỗi năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành liên quan đầu tư đào tạo được nhiều lớp về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm.

Năm 2024, toàn tỉnh tổ chức được 119 lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn 3 tháng cho trên 2.576 lượt người tham gia. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào trang bị kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống trên địa bàn và một số cây, con mới. Ngoài ra, còn có một số lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất cây, con cực ngắn ngày để tạo thu nhập trong thời gian nông nhàn như: trồng nấm, trồng rau mầm...

Tham gia các lớp đào tạo nghề nông, lao động nông thôn tiếp cận được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao công nghệ sản xuất mới cho người dân một cách có bài bản. Sau khi học tập, nông dân ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao, nhiều hộ đã xây dựng được những mô hình sản xuất không chỉ cho năng suất và chất lượng sản phẩm tốt, đưa lại thu nhập cao mà còn góp phần cải tạo đất bạc màu như: mô hình trồng cây rau màu, cây gia vị trên vùng đất cát bạc màu ven biển ở Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh; mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học cho giá trị kinh tế cao như mô hình chăn nuôi gà, lợn sạch ở xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, ở xã Triệu Trung, Triệu Phong; mô hình trồng cà phê sạch ở Hướng Hóa...

Các mô hình sản xuất sạch có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường được các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn chú trọng đào tạo. Nhờ tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề và thu hút đông lao động nông thôn tham gia nên đến nay, trình độ lao động ở các vùng nông thôn ngày càng tăng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Lê Thị Khánh Hằng ở xã Trung Giang cho biết: Sau khi tham gia lớp chế biến hải sản, tôi biết cách làm nước mắm thế nào cho đạt chất lượng cao, cách bảo quản nước mắm... Tôi ứng dụng triển khai sản xuất được mấy mẻ rồi, sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nên tôi bán được nhiều người mua ưa chuộng. Nhờ làm thêm nghề chế biến nước mắm nên tôi có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới được đẩy mạnh nhằm tăng tỉ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo để đảm bảo nhu cầu sản xuất trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành hữu quan, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề cho người nông dân phù hợp với nhu cầu sản xuất sản phẩm mà thị trường cần. Đa dạng hóa nội dung và hình thức đào tạo để tạo điều kiện cho lao động nông thôn có thể tham gia đầy đủ các lớp học. Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp với trình độ, năng lực của người học, phát huy khả năng sáng tạo của người dân nông thôn.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiến hành điều tra khảo sát, nắm bắt kịp thời nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp của địa phương, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo.

Tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình đào tạo nghề nông ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, hữu cơ... để làm cơ sở nhân ra diện rộng. Ứng dụng KH&CN vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thúc đẩy sự tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đào tạo nghề; thống kê, đánh giá chất lượng, hiệu quả sau học nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

Không ngừng bổ sung hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép dạy nghề với các chương trình MTQG, chương trình, dự án trên địa bàn. Có cơ chế hỗ trợ học viên sau đào tạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương. Có chính sách đặc thù để thu hút các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao... tham gia truyền nghề cho lao động nông thôn...

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, thực hiện tốt công tác này là góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vì chủ thể là nông dân có kiến thức, có kỹ năng trong nghề nông thì sẽ đưa lại chất lượng lao động cao, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.

Trần Anh Minh

Bình luận