Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với lợi thế từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản; ưu tiên phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.
Đồng thời, khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương về chế tạo, cung cấp máy, thiết bị, công nghệ, dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, ý tưởng đổi mới, sáng tạo để phát triển cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tăng cường nghiên cứu, đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Cùng với đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; nhất là các chính sách tín dụng, chính sách ưu đãi về thuế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao; đồng thời bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 104.000 máy móc thiết bị các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, có khoảng 10.000 máy kéo, trên 2.150 máy gieo sạ lúa, trên 10.000 máy tuốt lúa, khoảng 14.000 máy phun thuốc, trên 63.300 máy bơm nước, hàng trăm máy gặt đập liên hợp, máy xếp dãy, máy sấy nông sản….
Đến nay, mức độ cơ giới hóa đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đạt tỷ lệ khá cao. Cây lúa giải quyết gần 100% nhu cầu của các khâu làm đất, bơm tát nước, tuốt lúa bằng máy; 60 - 70% nhu cầu các khâu gieo sạ, phun thuốc, vận chuyển, thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng và khoảng 30 - 35% nhu cầu sấy lúa bằng máy, góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hao hụt xuống còn dưới 10%, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày cũng chủ động khoảng 50% khâu làm đất, 70% khâu phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển, 80% sử dụng máy móc để tách hạt. Với cây ăn quả và cây dừa, cơ gới hóa đạt khoảng 50% nhu cầu làm dất, 80% các khâu phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển.
Tin, ảnh: THANH HÒA