Bình Định ‘tuýt còi’ nuôi thủy sản tự phát trên đầm Đề Gi

Bình luận · 210 Lượt xem

Gần đây, nhiều ngư dân tự phát nuôi thủy sản bằng lồng bè trên đầm Đề Gi, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường biển và chặn lối tàu cá ra vào cảng.

Nở rộ lồng bè nuôi thủy sản tự phát

Những năm gần đây, do nuôi tôm đối mặt với nhiều rủi ro, hiệu quả kém nên nhiều ngư dân ở ven đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) tự phát chuyển sang nuôi cá biển và hàu Thái Bình Dương bằng lồng bè trên mặt đầm, cả dưới chân cầu Đề Gi. Hoạt động này dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển và cản trở lối tàu cá ra vào Cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát).

 

Đứng trên cầu Đề Gi nhìn xuống vùng biển dưới chân cầu, ngay luồng lạch tàu thuyền đánh bắt hải sản ra vào Cảng cá Đề Gi, chúng tôi thấy lồng bè nằm san sát, mỗi lồng bè có diện tích từ 8 - 16m2, hầu hết những lồng bè này nuôi hàu Thái Bình Dương, cá bớp và cá chim.

 

 

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), các hộ dân của địa phương này tự phát nuôi trồng thuỷ sản trên đầm Đề Gi bắt đầu từ năm ngoái đến nay. Ban đầu, chỉ có 6 trường hợp, đến nay đã tăng đến khoảng 20 trường hợp.

 

“Do trong năm 2022 việc đánh bắt hải sản và nuôi tôm trên cát của ngư dân địa phương gặp nhiều khó khăn nên một số người đã chuyển đổi từ đánh bắt hải sản, nuôi tôm trên cát sang nuôi trồng thuỷ sản trên biển bằng lồng bè. Tuy nuôi trồng thuỷ sản bằng lồng bè trên đầm giải quyết được bài toán về kinh tế cho ngư dân, nhưng lại nảy sinh nạn gây ô nhiễm môi trường biển, nhất là những hộ nuôi cá, những hộ nuôi hàu ít ảnh hưởng đến môi trường hơn”, ông Hiếu cho biết.

 

Người dân sống ven đầm Đề Gi thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) chẳng chịu thua kém, hàng chục người dân cũng tự phát làm lồng bè nuôi thủy sản trên mặt đầm. Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành xác nhận địa phương này có 58 trường hợp nuôi trồng thuỷ sản tự phát trên đầm Đề Gi và khu vực mặt nước dưới chân cầu Đề Gi.

 

Trong khi đó, sắp tới, ngành chức năng có kế hoạch nạo vét luồng lạch ra vào Cảng cá Đề Gi để tạo điều kiện thông thoáng cho tàu cá ra vào cảng. Do đó, chính quyền huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát từng trường hợp cụ thể để báo cáo lên UBND huyện để huyện có cơ sở làm việc với ngành chức năng Bình Định.

 

Đưa nuôi biển vào quy củ

Hiện nay, những trường hợp tự ý lấn chiếm diện tích mặt nước ở ven đầm Đề Gi và dưới chân cầu Đề Gi để nuôi trồng thuỷ sản bằng lồng bè đã được chính quyền địa phương thống kê, báo cáo với Chi cục Thuỷ sản Bình Định để tìm hướng xử lý.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bình Định, đơn vị này đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý các xã có người dân tự phát nuôi thủy sản bằng lồng bè trên đầm Đề Gi. Bởi phạm vi nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát ven đầm Đề Gi và khu vực dưới cầu Đề Gi không nằm trong khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

 

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết thời gian tới, Bình Định sẽ quy hoạch vùng nuôi biển tập trung với diện tích đủ lớn, tránh chồng lấn với các quy hoạch khác để có kế hoạch đầu tư. Theo đó, Bình Định sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng thâm canh tập trung, nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

 

 

Theo đó, các ngành chức năng của Bình Định sẽ thực hiện việc giao khu vực biển theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ cho tổ chức, cá nhân nuôi biển để đăng ký, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè và quản lý theo quy đinh.

 

Đối với vùng gần bờ từ 6 hải lý trở vào, ngành chức năng Bình Định sẽ rà soát, thực hiện giao mặt nước biển theo Điều 44 Luật Thủy sản 2017 để người nuôi trồng thủy sản trên biển yên tâm đầu tư sản xuất ổn định.

 

Chủ trương của Bình Định là khuyến khích các hộ nuôi chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống lạc hậu sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) quy mô nhỏ (60 - 180m3/lồng) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan kết hợp với mô hình du lịch biển.

 

“Chúng tôi sẽ tổ chức lại hình thức nuôi biển nhỏ lẻ, phân tán, tổ chức quản lý có sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, chung tay bảo vệ môi trường. Thực hiện chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản vùng ven bờ sang nuôi trồng thủy sản trên biển, tiếp tục giao thêm diện tích các khu vực biển cho các tổ chức cộng đồng để nhân rộng quy mô gắn với du lịch sinh thái”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

 

Vũ Đình Thung

Bình luận