Giải bài toán thu hút lao động có trình độ vào HTX

Bình luận · 26 Lượt xem

Trong bối cảnh nông nghiệp bền vững ngày càng cấp thiết, nhu cầu về nguồn lao động cũng trở nên nóng bỏng. Tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn đang khiến các HTX chưa phát huy hết được ?

Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Bái Thượng (Hà Nội ) cho biết, thành viên của HTX chủ yếu là phụ nữ, sau 15 năm làm việc tại HTX đã lớn tuổi, công việc ủ phân nặng nề là một thách thức lớn cho các chị, các bà. Chính vì vậy, việc chăm sóc vườn rau của các thành viên chỉ làm tranh thủ, công việc sơ chế đóng gói rau thường phải làm vào tối muộn nên có lúc hàng chưa đảm bảo quy cách đóng gói nên bị trả lại.

Cạnh tranh từ các khu công nghiệp

Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ của thôn Đồng Giao (Bắc Giang) chia sẻ, vào vụ thu hoạch vải, tình trạng thiếu lao động thu hoạch, vận chuyển, đóng gói vải xảy ra. Điều này một phần là do trên địa bàn tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy nên thu hút thanh niên, người trong độ tuổi vào làm việc.

Việc HTX, tổ hợp tác thiếu lao động có trình độ và lao động phổ thông là chuyện không hiếm gặp. Và vấn đề người trẻ, người được đào tạo bài bản dịch chuyển ra làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố càng khiến HTX, vùng nông thôn rơi vào cảnh thiếu lao động.

Khảo sát từ các địa phương cho thấy, mức thu nhập của những lao động làm tại khu công nghiệp thấp nhất là 4,5 triệu đồng, cao hơn là 7-10 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng thời gian tăng ca.

-9804-1728639718.jpg

Nhiều HTX phải đối mặt với tình trạng lao động, thành viên bị già hóa nhưng thiếu đội ngũ kế cận.

Mức thu nhập trên được coi là hấp dẫn với người lao động ở nhiều vùng nông thôn, bởi đi kèm với đó còn là điều kiện làm việc thuận lợi. Thông thường, lao động làm ở các khu công nghiệp nếu nhà xa sẽ có xe đưa đón, lại được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm như BHYT, BHXH, BHTN theo quy định, được miễn phí cơm trưa tại công ty. Người lao động cũng được đào tạo, hướng dẫn phù hợp các công đoạn sản xuất theo dây chuyền.

Do đó, vấn đề HTX, vùng sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi phải cạnh tranh lao động so với các khu công nghiệp luôn diễn ra. Bởi theo đánh giá của nhiều lao động trong độ tuổi từ 18-45, nông nghiệp là ngành nghề chịu nhiều rủi ro, một năm chỉ 2 vụ chính nên không đảm bảo thu nhập, nên việc lựa chọn làm tại các khu công nghiệp là điều đương nhiên của nhiều người.

Hiện chỉ có những HTX có quy mô lớn, hoạt động bài bản hoặc những HTX do tự thân những người có chuyên môn khởi nghiệp mới có nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), việc phân bổ nguồn lao động chất lượng cao đang có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Cụ thể là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có việc làm tại thành thị là khoảng 40%, gấp 2,5 lần so với lao động tại khu vực nông thôn (16%). Đó cũng là lý do khiến các HTX ở vùng nông thôn hiện nay rơi vào cảnh thiếu lao động, nhân lực chất lượng cao.

Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, dù liên tục tuyển dụng và đã liên kết với các trường nhưng thông tin tuyển dụng nhân sự kỹ sư, người bán hàng của HTX được đưa ra liên tục từ năm ngoái đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước có hơn 1.000 khu, điểm du lịch do các địa phương quản lý, trong đó 70% là thuộc các khu vực nông thôn, nhưng hầu hết các điểm du lịch này đều đang thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp.

PGS TS Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, nhiều HTX đang phát triển những dịch vụ mới như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm, bán hàng online… nhưng ngay bản thân thành viên, ban lãnh đạo nhiều HTX còn thiếu kiến thức, kỹ năng về những ngành nghề này, từ đó dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được chuyên nghiệp.

Không để mình HTX loay hoay tìm lời giải 

Nhiều lãnh đạo HTX cho biết, HTX từng thu hút được những người có bằng cấp về làm việc nhưng chỉ sau một thời gian, họ lại rời HTX để đến những môi trường làm việc mới.

Để giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, thời gian qua, Nhà nước đã có các chương trình đào tạo tập huấn, nhưng mới chỉ được đánh giá là giải pháp tình thế.

Trong khi theo định hướng của ngành nông nghiệp hiện nay, các HTX cần phát triển theo hướng bền vững thông qua ứng dụng công nghệ và xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa. Do đó, đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp bách với khu vực kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết với ngành thủy sản, để ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như phát triển chuỗi giá trị hàng hóa đòi hỏi cả HTX, doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực có tri thức, kiến thức mới có thể nâng cao được chất lượng, sản lượng.

Vì vậy, cần sự kết hợp, phối hợp của các chủ thể trong chuỗi để các HTX và doanh nghiệp gia tăng được năng lực của mình, giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao và tận dụng được các chính sách hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh.

Có một điều đáng lưu ý là tại các HTX hiện nay, nguồn nhân lực mới chỉ tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp, thiếu nguồn nhân lực ở các lĩnh vực như khoa học công nghệ, tín dụng… Trong khi theo định hướng của Nhà nước để phát triển được chuỗi giá trị, ngoài HTX, doanh nghiệp thì cần có sự tham gia của các chủ thể khác đó là nhà tín dụng, nhà khoa học để tạo lực đẩy giúp HTX vận hành mô hình hoạt động hiệu quả.

Do đó, cần phát triển các HTX với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà tín dụng hoặc những người có chuyên môn cao để tạo nền tảng cho HTX hoạt động hiệu quả, từ đó phần nào giải quyết bài toán thiếu lao động chất lượng cao trong HTX.

Thực tế hiện nay, khi HTX có sự trợ lực của các nhà khoa học, tổ chức tín dụng hay có đội ngũ nhân lực thành thạo về lĩnh vực này thì đều hoạt động thành công.

Tiêu biểu như Liên hiệp HTX Kinh tế số (Hà Nội), HTX Hùng Thơm (Gia Lai), HTX Khe Sanh (Quảng Trị) hoạt động hiệu quả là nhờ có đóng góp của những nhân lực có trình độ cao, lại rất hiểu về mô hình kinh tế tập thể. Những HTX này được vận hành bài bản sẽ tạo ra sự yên tâm cho các cơ quản quản lý, tổ chức tín dụng trong việc cho vay vốn, tiếp cận chính sách hỗ trợ, từ đó giúp các khó khăn của HTX được giải quyết nhanh. Từ đây sẽ tăng sức cạnh tranh của mô hình HTX và tạo động lực thu hút thêm nhiều lao động vào làm việc.

Ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Xuyên Việt (Hải Dương) cho rằng, vận hành mô hình HTX bài bản cũng là nền tảng để thu hút nhân tài. Và khi quyền lợi của thành viên, người lao động được bảo đảm cũng là cách giữ chân người lao động và giúp HTX thuận lợi thu hút cả những người đang làm việc từ các viện, trường, doanh nghiệp.

Huyền Trang

Bình luận