Tuyệt kỹ thụ tinh nhân tạo cho trâu

Bình luận · 178 Lượt xem

Những kỹ thuật, kinh nghiệm thụ tinh nhân tạo cho trâu hiệu quả cao nhất được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi chia sẻ với bà con nông dân.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đang có 20 cá thể trâu Murrah thuần để sản xuất, bảo quản tinh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đang có 20 cá thể trâu Murrah thuần để sản xuất, bảo quản tinh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hơn 60 năm về trước, con trâu Murrah của Ấn Độ đầu tiên được nhập vào nước ta, giúp Việt Nam bắt đầu tiến hành cải tạo và nâng cao chất lượng đàn trâu. Từ đó, tạo nguồn giống chất lượng, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Đến năm 1978, Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là bà Indira Gandhi đã tặng Việt Nam 502 con trâu Murrah để nuôi dưỡng chăm sóc tại khu vực phía Nam.

Từ năm 1995, 30 con được chuyển ra nuôi giữ và chăm sóc ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Sau đó, Trung tâm cho lai tạo trâu Murah Ấn Độ với trâu Việt Nam tạo ra trâu lai F1 có đặc điểm tầm vóc, cân nặng, hình thể to cao hơn trâu bản địa.

Chia sẻ về đặc tính giao phối của trâu Murrah, ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi cho biết, trâu Murrah không “nhảy” cái trực tiếp. Do vậy, để có thể phối giống trâu Murrah Ấn Độ với trâu Việt Nam, Trung tâm đã phải sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện nay, Trung tâm đang có 20 cá thể trâu Murrah thuần để sản xuất, bảo quản tinh, mỗi năm cung cấp khoảng 20.000 - 30.000 liều tinh.

Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi, khoảng năm 2000, Trung tâm đã nghiên cứu thành công công nghệ tinh đông lạnh dạng viên. Đến năm 2009 - 2010, Trung tâm đã nghiên cứu thành công công nghệ tinh đông lạnh dạng cọng rạ, cho tỉ lệ thụ thai và năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí so với tinh đông lạnh dạng viên.

Bên cạnh đó, việc phối giống bằng tinh đông lạnh dạng cọng rạ sẽ dễ thực hiện hơn. Tinh đông lạnh dạng cọng rạ cần phải được bảo quản ở điều kiện nghiêm ngặt, phải ngâm trong nito lỏng có mức nhiệt độ -196 độ C, do đó sau vài chục năm vẫn có thể sử dụng được.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi thụ tinh cho trâu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi thụ tinh cho trâu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Cần cho biết, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu tuy không quá khó nhưng người dân sẽ không thể tự thực hiện được. Theo đó, trên cơ sở đội ngũ dẫn tinh viên bò, Trung tâm đã đào tạo đội ngũ cán bộ thụ tinh nhân tạo trâu cho các địa phương. Mỗi năm, Trung tâm đào tạo khoảng 50 - 70 dẫn tinh viên đủ kỹ năng có thể thụ tinh nhân tạo cho trâu do các địa phương đặt hàng hoặc cho các dự án. Có những năm nhu cầu dẫn tinh viên cao, Trung tâm có thể đào tạo từ 100 - 200 dẫn tinh viên.

“Việc thụ tinh nhân tạo cho trâu khó hơn thụ tinh nhân tạo cho bò. Trâu cái động dục rất "thầm lặng", nếu không để ý sẽ không biết được thời gian trâu cái động dục. Chưa kể thời gian động dục của trâu cái rất ngắn, chỉ trong khoảng 36 tiếng, hơn nữa thời điểm vàng thích hợp phối giống và thụ thai chỉ khoảng vài tiếng vào sáng sớm hoặc 9 - 10 giờ đêm”, ông Cần chia sẻ kinh nghiệm.

Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đã khuyến cáo người dân về 3 thời điểm cần đặc biệt lưu ý để đạt tỉ lệ thụ thai cho trâu cái cao đó là sáng sớm, khoảng 5 - 6 giờ chiều và 9 - 10 giờ đêm. Với những dẫn tinh viên có tay nghề cao, nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và nắm bắt được thời điểm vàng để thụ thai có thể nâng tỉ lệ thụ thai của trâu cái lên đến 50 - 70%, thậm chí 80%.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi Tạ Văn Cần, trâu là con vật gắn bó với nông dân Việt Nam, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, là đầu cơ nghiệp, cung cấp sức kéo, cung cấp phân bón, cung cấp thịt. Thế nhưng, lâu nay, con trâu thường không nhận được sự quan tâm lớn vì bản tính vốn hiền lành, dễ nuôi, bà con thường quan niệm hàng ngày chỉ cần cho trâu ăn cỏ uống nước lã.

Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, thực tế cho thấy trâu là một trong những loại vật nuôi có thể đóng góp lớn vào công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Nếu như trước đây, người dân chăn nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay đã chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cung cấp trâu giống, trâu thương phẩm. Chính vì vậy, ông Cần cho rằng chúng ta cần có một cái nhìn khách quan hơn cũng như sự quan tâm đúng mức hơn với đối tượng gia súc này.

 
Bình luận