Tái đàn heo bền vững: [Bài 2] Không lơ là dịch bệnh

Bình luận · 43 Lượt xem

Người chăn nuôi Bình Định đang tập trung tái đàn heo nhưng không lơ là với dịch bệnh. Bởi, thời tiết bất thường trong mùa mưa bão dễ làm dịch bệnh phát sinh.

Phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu

Trong thời gian giá heo còn thấp tịt, nhiều hộ chăn nuôi để heo đạt trọng lượng trên 1 tạ mới xuất bán vì đợi giá tăng lên. Bây giờ, khi giá heo đang tăng cao, heo mới 70-80kg/con người chăn nuôi đã lo xuất chuồng để bán được giá cao và thả lứa heo mới để đón giá vào dịp cuối năm dương lịch và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện trên địa bàn Bình Định dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, mầm bệnh của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn còn tồn tại trong môi trường, trong đó có bệnh dịch tả heo châu Phi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh gây hại cho đàn heo.

Heo giống trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Heo giống trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Để bảo toàn đàn heo trên địa bàn, tại thời điểm người chăn nuôi đang tập trung tái đàn heo, ngành chức năng ở Bình Định triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn heo.

Huyện Hoài Ân, địa phương có phong trào nuôi heo mạnh nhất Bình Định, ngành chức năng đang tăng cường quản lý công tác chăn nuôi trên địa bàn, yêu cầu các hộ chăn nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành thú y.

Tập trung triển khai tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn heo, duy trì và đẩy mạnh việc tổ chức tiêm phòng chính vụ, tiêm phòng bổ sung hàng tháng các loại vacxin phòng bệnh cho đàn heo vừa tái đàn hoặc đã đến tuổi tiêm phòng.

“Chúng tôi tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành mầm bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho hay.

Lo nhất đàn heo trong nông hộ

Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), người thường xuyên duy trì trong chuồng 100 con heo lứa, dịp này anh Bình cũng tái đàn để có heo bán vào dịp Tết.

Trong bối cảnh giá heo giống đang tăng cao, anh Bình có lợi thế là 6 con heo nái sinh sản của anh cung cấp đủ heo giống để anh tái đàn. Trước khi tách heo con khỏi heo mẹ, đưa sang dãy chuồng nuôi heo thịt, anh Bình làm vệ sinh, phun thuốc khử trùng chuồng trại kỹ lưỡng.

“Trong quá trình nuôi, tôi bổ sung cho đàn heo các loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho chúng có sức mà lướt qua dịch bệnh”, anh Bình chia sẻ.

Nỗi lo lớn nhất của ngành chức năng huyện Hoài Ân là đàn heo nuôi trong nông hộ. Ảnh: V.Đ.T.

Nỗi lo lớn nhất của ngành chức năng huyện Hoài Ân là đàn heo nuôi trong nông hộ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, ngành chức năng huyện này đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn, giám sát việc tăng đàn, tái đàn heo áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn; tổ chức tiêm phòng, giám sát sau tiêm phòng đối với vacxin bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Nỗi lo lớn nhất của ngành chức năng huyện Hoài Ân là đàn heo nuôi trong nông hộ. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện này có đến 10.000 nông hộ chăn nuôi heo theo phương thức truyền thống, mỗi hộ nuôi ít nhất 10 con heo thịt.

“Để bảo vệ đàn heo nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, UBND huyện Hoài Ân đề nghị Sở NN-PTNT Bình Định hỗ trợ ngành chức năng huyện này kinh phí để mua vacxin “3 trong 1” tiêm phòng cho đàn heo nuôi trong nông hộ; hỗ trợ 50% kinh phí mua lưới mùng, thuốc sát trùng, 50% còn lại hộ chăn nuôi đối ứng”, ông Huỳnh Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân.

Bình luận