Doanh nghiệp, hiệp hội mong hợp tác với viện - trường đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Bình luận · 244 Lượt xem

Các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đều mong muốn được liên kết cùng các viện, trường trong đào tạo nâng cao nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với thời đại.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bài liên quan

Liên kết nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Chia sẻ tại Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 4/8 tại TP.HCM, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, trong cuộc khảo sát 20 doanh nghiệp, HTX lĩnh vực trồng trọt, chế biến, thủy sản... tại vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ cho thấy, nguồn lao động có trình độ được đào tạo chuyên môn còn hạn chế về kỹ năng, chậm tiếp cận, thiếu sáng tạo, thiếu kinh nghiệm thực tế.

Về nguồn lao động nghề và phổ thông thiếu hiểu biết về an toàn lao động, thiếu tính kỷ luật và ý thức lao động...

Do đó, theo ông Tùng, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới, cần điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp điều kiện thực tế hiện nay và có sự liên kết giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo.

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ngày nay sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp rất thấp, sau khi hoàn thành khóa học những kiến thức trên giảng đường được áp dụng trong công việc cũng hạn chế.

Đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng vào việc xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho rằng, hiện nay tư duy sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục các ngành nông nghiệp sau phổ thông, cần tích hợp các môn học theo mô hình chuỗi giá trị.  Cần đưa vào chương trình các môn học tiếp cận liên ngành, đa ngành vẫn hướng đến phục vụ nông nghiệp: du lịch - nông nghiệp, cơ khí - nông nghiệp, kinh tế - nông nghiệp, quản trị - nông nghiệp, thương mại - nông nghiệp, công nghệ số - nông nghiệp, điện - nông nghiệp, logistic - nông nghiệp...

Bên cạnh đó, trong chương trình cần đào tạo, giới thiệu sinh viên hiểu được giá trị của ngành học đối với cuộc sống con người, hiểu được nghề, từ đó sinh viên mới yêu nghề.

Trong đào tạo, cần đào tạo thêm những kỹ năng mềm, liên hệ với thực tế như biết làm thế nào gia tăng giá trị nông sản, biết lập kế hoạch quản trị tổ chức, xây dựng quy trình và cải tiến quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng bằng cách sản xuất sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông sản để cạnh tranh trên thị trường.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo ông Ngô Minh Long, cần tổ chức khảo sát, định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo định hướng phục vụ phát triển vùng. Từ đó, có thể cung cấp nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho công nghiệp, dịch vụ.

"Khi soạn thảo giáo trình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất thiết phải đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp ở Việt Nam", Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất.

Tại hội nghĩ đã diễn ra lễ thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Phúc Lập.

Tại hội nghĩ đã diễn ra lễ thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Phúc Lập.

Bài liên quan

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng đầu vào cho doanh nghiệp

Ở góc độ hiệp hội, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, hiện nguồn lao động của các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm quá thấp, khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế và không thể sử dụng sinh viên ra trường ngay mà cần phải đào tạo lại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi khách hàng là các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, EU... đòi hỏi lao động của doanh nghiệp phải am hiểu quy trình vận hành máy móc công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, HACCP... và ngôn ngữ quốc tế chuyên ngành.

Ngoài ra, rào cản về tâm lý e ngại, định kiến đã khắc sâu về một nền nông nghiệp truyền thống nhiều vất vả nhưng thu nhập thấp, bấp bênh đã khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực thực sự chất lượng. Trong khi đó, nhu cầu về đội ngũ này ngày càng tăng, thực trạng này sẽ tác động rất lớn đến chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm và cản trở hiệu quả phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm về lâu dài.

"Công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực hiện nay mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng và kỳ vọng của doanh nghiệp. Nhiều chương trình hiện nay tập trung nhiều vào kiến thức lý thuyết, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm thực hành. Chương trình, phương pháp giảng dạy của các đơn vị đào tạo không theo kịp với xu hướng và nhu cầu phát triển của ngành. Sự hợp tác hạn chế giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp cản trở tính thực tiễn và định hướng giáo dục cho ngành, khiến cho sinh viên ra trường khó áp dụng kiến thức trong doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại", bà Lý Kim Chi nêu thực tế.

Theo bà Chi, cần xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền vững giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của đơn vị đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng đầu vào cho doanh nghiệp.

Bà Chi cũng cam kết, Hội Lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp luôn chung tay cùng Bộ NN-PTNT trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị đào tạo và hỗ trợ tổ chức nghiên cứu khoa học, tạo việc làm cho sinh viên ra trường... 

Tập đoàn Lộc Trời thỏa thuận hợp tác với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phúc Lập.

Tập đoàn Lộc Trời thỏa thuận hợp tác với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phúc Lập.

Đặt hàng đào tạo lao động trên 40 tuổi về cơ giới hóa nông nghiệp

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong hành trình 30 năm "cùng nông dân phát triển bền vững", thì Lộc Trời luôn chú trọng quan tâm vấn đề nguồn nhân lực. Lộc Trời bố trí ngân sách từ 3,5 - 4 triệu USD cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, 3 năm qua không có năm nào “xài” hết. Do đó, vẫn còn dư địa để Lộc Trời hợp tác với các trường, viện.

Bài liên quan

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong chiến lược phát triển sắp tới, Lộc Trời quan tâm đến việc đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là công nhân sau 40 tuổi thuộc các doanh nghiệp công nghiệp ở các thành phố lớn.

"Đội ngũ này có nhiều phù hợp với Lộc Trời trong việc đào tạo, đào tạo lại chuyên ngành cơ giới hóa nông nghiệp. Chúng tôi đặt ra ngân sách 400.000 - 500.000 USD để đào tạo đối tượng này bởi cơ giới hóa cần tay nghề, cần người sử dụng các phương tiện máy móc thiết bị mới, cần 4.0, chuyển đổi số. Do đó, chúng tôi tha thiết mời gọi và sẵn lòng hợp tác với các trường viện giúp chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực này", ông Huỳnh Văn Thòn nói và cho biết thêm, rất mong muốn để đưa các kỹ sư về nông thôn cùng ăn cùng ở với nông dân, phải nghe hơi thở của đồng ruộng và phải học tâm tư tình cảm của nông dân. Điều đó cũng có nghĩa là làm cho các em sẽ là những cán bộ xây dựng phát triển nông thôn.

Trong thời gian tới, Lộc Trời cũng sẽ phối hơp với các viện, trường xây dựng chương trình cập nhật thường xuyên, đào tạo và đào tạo lại để gắn các em vào các HTX, tổ chức ở nông thôn, từ đó phát huy được hiệu quả xã hội, giúp các em có thể tự trang trải một phần cơ bản về thu nhập.

Theo ông Thòn, trong chiến lược sắp tới, Lộc Trời sẽ đi sâu vào chế biến sau thu hoạch và đặc biệt là tạo được giá trị gia tăng từ cây lúa như chấu, lúa, cám, rơm rạ… "không bỏ đi thứ gì". Vì vậy, ông Thòn mời gọi các nhà khoa học, nhà quản lý, viện trường cùng hợp tác với Lộc Trời trong đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao giá trị gia tăng từ cây lúa.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, để ngành lâm nghiệp và chế biến phát triển bền vững trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các hiệp hội, doanh nghiệp với các trường, viện trong các đề tài phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Đồng thời, các trường cần có đề cương chi tiết để xây dựng, góp sức cho việc phát triển nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ thành những người nông dân hiện đại trong tương lai

Bình luận