Sôi động đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bình luận · 253 Lượt xem

Hoạt động đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ ngành nông nghiệp tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng sôi động, sát thực tiễn ngành nông nghiệp của vùng.

Đại học Cần Thơ - "nôi" khởi nghiệp, sáng tạo nông nghiệp vùng ĐBSCL

Vùng ĐBSCL có hơn 59.450 doanh nghiệp đang hoạt động, hàng năm trung bình có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp, 20 - 30% trong số này là các dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo và có tiềm năng phát triển.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP Cần Thơ, qua 7 năm thực hiện cuộc thi khởi nghiệp, các tỉnh vùng ĐBSCL đã quy tụ hơn 1.500 hồ sơ, 5.000 người tham gia từ các trường đại học, cao đẳng. Năm 2022, đã có 1.512 ý tưởng tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp quốc gia và đã chọn ra 80 đội thi tham gia vòng chung kết.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng của các viện, trường ở ĐBSCL ngày càng sôi động, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất.  Ảnh: Hữu Đức.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng của các viện, trường ở ĐBSCL ngày càng sôi động, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất.  Ảnh: Hữu Đức.

Năm 2022, cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL có 300 hồ sơ của hơn 900 thí sinh từ 9/13 tỉnh, thành tham dự với các ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ thực tiễn như biến đổi khí hậu, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh - thương mại - dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Song hành cùng nỗ lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, chương trình hành động về phát triển ĐBSCL, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD 2045), tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ký kết thỏa thuận hợp tác với VCCI - Cần Thơ và Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Việt Nam nhằm tối ưu hóa tiềm lực các bên, hướng tới phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn.

Đại học Cần Thơ là trường đại học có quy mô đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học lớn nhất khu vực ĐBSCL. Trong hoạt động khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, Đại học Cần Thơ với thành tựu 55 năm đồng hành phát triển cùng nông nghiệp ĐBSCL đã có những đóng góp lớn, trong đó nổi bật là lĩnh vực cây trồng và khoa học đất như nghiên cứu các giống lúa kháng rầy, kinh tế vườn, bộ sưu tập 3.000 giống lúa, cải tạo phèn...; lĩnh vực chăn nuôi - thú y như chương trình Heifer, phối giống, dinh dưỡng, trị bệnh gia súc, gia cầm...

Nhiều giống lúa chất lượng cao do các viện, trường, doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất, phát triển rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: MĐ.

Nhiều giống lúa chất lượng cao do các viện, trường, doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất, phát triển rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: MĐ.

Trong lĩnh vực thủy sản, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) đã nghiên cứu, chuyển giao, đưa vào sản xuất Artemia, giống cá tra, giống tôm sú, giống tôm càng xanh, giống các loài nhập nội và bản địa...; lĩnh vực chế biến và công nghệ thực phẩm có bảo quản thủy sản, trái cây, tổng hợp hợp chất tự nhiên, tái sử dụng phụ phẩm. Lĩnh vực công nghệ trong nông nghiệp với thành tựu nghiên cứu cơ giới hóa, tự động hóa nông nghiệp; quan trắc môi trường đất, nước; tự động hóa trong canh tác, chế biến sản phẩm, logistics…

Trong giai đoạn 2018 - 2020, hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp của trường Đại học Cần Thơ có trên 2.000 đề tài, dự án các cấp, với tổng kinh phí trên 311 tỷ đồng. Trường đã thực hiện chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật địa phương thông qua hình thức tại trường, trang trại, địa phương. Hiện nay, Đại học Cần Thơ đang xây dựng 80 quy trình công nghệ, sẵn sàng chuyển giao cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Khoa học công nghệ ngày càng sát thực tế

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ngày càng được chú trọng trên các lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin thống kê... Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý.

Thực tiễn trong những năm qua, TP Cần Thơ thể hiện khá rõ sự phối hợp, liên kết trong tổ chức các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng, nhất là liên kết, chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Sự kiện đổi mới sáng tạo mang tính vùng bước đầu thu được kết quả tốt. Trong đó, sự kiện nổi bật và thường xuyên của thành phố về kết nối khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là Diễn đàn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL. Mỗi năm, Ngày hội Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL (Techfest Mekong) thu hút trên 2.000 lượt người tham dự.

Nhiều thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở ĐBSCL đã kịp thời phục vụ yêu cầu của sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở ĐBSCL đã kịp thời phục vụ yêu cầu của sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được triển khai ngày càng sát với yêu cầu ứng dụng, nhất là việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, nâng cao chất lượng, chú trọng hơn vào tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sau khi nghiệm thu.

Công tác xét duyệt, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu, đăng ký kết quả được thực hiện đúng quy định, thu hút được đội ngũ chuyên gia của các viện, trường tại các tỉnh và trong vùng ĐBSCL tích cực tư vấn. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được tiếp tục đẩy mạnh nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tại tỉnh Trà Vinh, một điển hình sống động trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành đạt là TS Nguyễn Thanh Mỹ. TS Mỹ đã sáng lập Công ty CP RYNAN Technologies Việt Nam và đồng sáng lập nên 8 doanh nghiệp công nghệ cao. Ông là nhà phát minh và đồng phát minh trên 150 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và hàng chục nước trên thế giới.

Những năm gần đây, ông có nhiều phát minh mới đã đăng ký bản quyền sáng chế, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp như sản xuất phân bón thông minh; thiết bị nông nghiệp; sản xuất thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước, trạm quan trắc nước, hệ thống giám sát côn trùng thông minh…

TS Nguyễn Thanh Mỹ và công trình nghiên cứu thiết bị nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh. Hữu Đức.

TS Nguyễn Thanh Mỹ và công trình nghiên cứu thiết bị nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh. Hữu Đức.

Mới đây, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã chia sẻ về ứng dụng mô hình Tom Oxy - nuôi tôm siêu thâm canh, giàu ô xy, mọi quy trình đều được tự động, tối ưu hóa. Sản phẩm tôm nuôi đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. 

TS Mỹ đặc biệt lưu ý đến giá trị từ sở hữu trí tuệ về phát minh mới và đăng ký bản quyền sáng chế. Bởi giá trị mang lại từ bảo hộ bản quyền sáng chế sẽ là độc quyền bán sản phẩm, công cụ để thương lượng với đối tác và tăng giá trị khởi nghiệp khi gọi vốn.

Việc đăng ký bảo hộ cần được thực hiện tại các quốc gia nơi bán sản phẩm, ở quốc gia có đối thủ cạnh tranh. Một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng của TS Nguyễn Thanh Mỹ mới đây đã được đăng ký bảo hộ như mô hình Tom Oxy đã đăng ký bản quyền sáng chế bảo hộ 20 năm, bảo hộ 20 năm cho bản quyền sáng chế máy quang phổ, hệ thống theo dõi tăng trưởng và sức khỏe thủy sản thông minh...

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 44/132, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế và ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc).

Nhiều giống cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đã được đưa ra sản xuất. Ảnh: HĐ.

Nhiều giống cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đã được đưa ra sản xuất. Ảnh: HĐ.

Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu đầu tư vào công nghệ gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị, ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Trên 80% doanh nghiệp chưa hợp tác với các đơn vị, tổ chức để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, khó khăn trong nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn lực và tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp (khoảng 0,44% GDP)

Bình luận