Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Bắc Ninh: Quy hoạch và bảo tồn không gian làng trong đô thị

Bình luận · 117 Lượt xem

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, 100% các xã, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới

Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, toàn tỉnh có 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, 100% các xã, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bắc Ninh là phấn đấu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); mỗi xã có ít nhất 1 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Gia Bình và huyện Lương Tài đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt mục tiêu trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp xã, huyện bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: “Quy hoạch vùng tỉnh đã xác định phát triển cân bằng với bảo tồn, phát triển đô thị gắn với bảo tồn làng xóm truyền thống, bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử và hòa nhập với cảnh quan tự nhiên sinh thái của khu vực; với mục tiêu quy hoạch là xây dựng tỉnh Bắc Ninh có cơ sở kinh tế vững chắc, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có môi trường sống tốt theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn, con người và thiên nhiên; bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, từng bước xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại, chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, mang đặc trưng văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

 

Về định hướng, giải pháp quy hoạch, phát triển làng xóm, khu vực dân cư nông thôn, bảo tồn không gian làng: Hệ thống các làng xóm, điểm dân cư nông thôn nằm trong khu vực đô thị hóa mở rộng đô thị, khu vực nệm xanh, vành đai xanh đô thị và khu vực nông thôn được cải tạo chỉnh trang gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống để tạo nên đặc trưng đô thị nông thôn cho Bắc Ninh; quan tâm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái tự nhiên; được bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện sống khu vực nông thôn tương đương khu vực đô thị, hướng tới nhất thể hóa đô thị và nông thôn; phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ đô thị với sản phẩm chất lượng cao.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh khuyến khích cải tạo, bảo tồn các không gian ở, làng xóm truyền thống, tăng cường tiện ích công cộng, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn chung và đặc điểm của từng khu vực. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng mới và cải tạo tại các khu vực điểm dân cư nông thôn, đảm bảo mật độ xây dựng, tầng cao công trình phù hợp với quy định chung của từng khu vực, kiểm soát hình thức kiến trúc công trình; khuyến khích phát triển nhà ở dạng nhà vườn, mật độ thấp đến trung bình, sử dụng các loại hình vật liệu truyền thống tại địa phương; hạn chế tối đa việc đô thị hóa tự phát làm phá vỡ cảnh quan và môi trường khu vực nông thôn.

 

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Tài - một trong 2 huyện được tỉnh Bắc Ninh đưa vào kế hoạch xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn 2022-2025, huyện Lương Tài phấn đấu 13/13 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh, số xã nông thôn mới nâng cao: 03/13 xã theo lộ trình thực hiện: Năm 2023 xã Lâm Thao, năm 2024 xã Trung Kênh, năm 2025 xã Quảng Phú; Phấn đấu có từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, gồm: Xã Lâm Thao năm 2024 và xã Trung Kênh năm 2025. Dự kiến sau năm 2025 huyện hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

 

Hiện nay, các xã đang tập trung phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí chung, đồng thời xây dựng nhiều mô hình, phong trào thi đua để góp phần đẩy nhanh tiến độ về đích như: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Đường tự quản”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, "Xây dựng tuyến đường hoa"...

 

Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng các mô hình điển hình, tiên phong trong việc bảo tồn không gian làng như các dự án môi trường, công trình hạ tầng xã hội, các không gian xanh, công cộng, công viên, khu vui chơi, sân khấu ngoài trời và các cơ sở hạ tầng khác được quy hoạch và thiết kế hài hòa với kiến trúc truyền thống, gắn với không gian làng để thu hút đầu tư là một phần quan trọng trong việc tạo ra một không gian sống hài hòa và gần gũi với thiên nhiên.

 

Nhờ đó, nhận thức và ý thức cộng đồng về giá trị văn hóa và truyền thống của làng quê, sự quan trọng của bảo tồn và phát triển bền vững không gian làng ngày càng được nâng cao. Chị Dương Thị Phấn, một người con của quê hương quan họ Kinh Bắc tự hào chia sẻ: “Từ công tác tuyên truyền và phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân quê tôi đã đoàn kết phát huy tinh thần tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của quê hương mình. Việc bảo tồn không gian làng trong đô thị không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý địa phương mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng. Chúng tôi dần thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân thông qua các chương trình, hội thảo, buổi thảo luận và các sự kiện văn hóa, chung tay góp sức để hiện thức hóa các phong trào thi đua, áp dụng các mô hình điểm vào thực tiễn cuộc sống để tạo giá trị hiệu quả thiết thực”.

 

Với cơ sở định hướng quy hoạch và các giải pháp cụ thể, sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ quan chuyên môn và mọi tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, việc thực hiện quy hoạch và bảo tồn không gian làng trong đô thị tại tỉnh Bắc Ninh sẽ thành công; tạo ra môi trường sống hài hòa, gìn giữ được bản sắc văn hóa, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng và góp phần tạo nên đô thị Bắc Ninh tiên tiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc; hình thành không gian làng đẹp và bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho cư dân và thu hút du khách, nơi mà không chỉ có sự phát triển kinh tế mà còn sự tôn trọng và bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng.

Bình luận