Hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật, sớm thích ứng với EUDR

Bình luận · 42 Lượt xem

Định nghĩa về rừng của Việt Nam và FAO không thống nhất, EU chưa ban hành hướng dẫn chi tiết quá trình thực thi EUDR... là những khó khăn mà chuyên gia nêu.

Thời gian cấp bách

Tại Hội thảo kỹ thuật Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam sáng 30/7, ông Patrick Haverman. Phó trưởng đại diện Thường trú UNDP Việt Nam đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đi đầu trong việc thích ứng Quy định không phá rừng (EUDR).

Ngay sau khi EU ban hành EUDR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 88/NĐ-CP ngày 8/6/2023, trong đó giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.

Theo quy định mới ban hành của EU, những doanh nghiệp lớn phải tuân thủ EUDR từ 30/12/2024,  doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu áp dụng từ 30/6/2025. Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, ông Haverman đề xuất 4 nhóm vấn đề để các bên liên quan xem xét, thúc đẩy.

Thứ nhất là việc chia sẻ dữ liệu về bản đồ ranh giới, hiện trạng rừng và cách thức chia sẻ trên các nền tảng; Thứ hai là phương pháp phân tích tiêu chuẩn không gây mất rừng nhằm tuân thủ EUDR; Thứ ba là quá trình phân tích tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu, phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm; Cuối cùng là những hỗ trợ đối với nhóm đối tượng nông hộ nhỏ như cung cấp kiến thức, nguồn lực giúp họ đảm bảo sinh kế.

"Những cam kết của khu vực tư nhân hết sức quan trọng trong quá trình này, bởi hành động của họ sẽ góp phần định hình sự phát triển bền vững cho các chuỗi ngành hàng", ông Haverman chia sẻ.

Ông Phạm Đức Thiềng, chuyên gia Dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua tiếp cận "địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng" (iLandscape) nói thêm, đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam là chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho những doanh nghiệp lớn. "Nếu trừ đi một tháng chế biến và một tháng vận chuyển, nhiều doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ của Việt Nam phải tuân thủ EUDR ngay từ tháng 10/2024", ông Thiềng nêu vấn đề.

Định nghĩa về rừng của Việt Nam và FAO còn nhiều điểm chưa khớp, gây khó khăn trong việc tuân thủ EUDR. Ảnh: Bảo Thắng.

Định nghĩa về rừng của Việt Nam và FAO còn nhiều điểm chưa khớp, gây khó khăn trong việc tuân thủ EUDR. Ảnh: Bảo Thắng.

Đi sâu vào kỹ thuật, ông Thiềng nói thêm rằng có những khu vực Việt Nam coi là rừng còn EU thì không, hoặc ngược lại. Điều này xuất phát từ sự sai khác về định nghĩa rừng giữa hai bên, chẳng hạn diện tích rừng tối thiểu EU quy định là 0,5ha, còn Việt Nam lại là 0,3ha, hay EUDR không có quy định nào về quy hoạch sử dụng đất còn Việt Nam lại có.

Một ví dụ khác được chuyên gia nêu, là theo EUDR sản xuất nông lâm kết hợp như trồng cà phê, cây ăn quả trên đất lâm nghiệp có rừng được xem là có rủi ro gây mất rừng, suy thoái rừng. Trong khi đó, Nghị định 156/2018/NĐ-CP cho phép sản xuất trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất miễn là không gây suy giảm diện tích, chất lượng rừng.

Nhiều yêu cầu khó về truy xuất nguồn gốc

Ông Trương Tất Đơ, Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp cho biết, vào ngày 12/6/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 1235 thành lập nhóm công tác chung thích ứng EUDR, bao gồm tất cả các ngành nghề liên quan, đồng thời giao Cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến gỗ và bản đồ ranh giới rừng.

Trong quy định của EUDR, 7 nhóm mặt hàng bị ảnh hưởng nhưng tại Việt Nam chủ yếu có 3, gồm gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê. Các sản phẩm được sản xuất thuộc nhóm ngành hàng này phải tuân thủ 3 điều kiện: không gây mất rừng so với hiện trạng ở thời điểm 31/12/2020, chứng minh được pháp lý của việc sản xuất theo quy định của nước nhập khẩu, đồng thời có báo cáo giám định về tính hợp pháp này.

"Tính hợp pháp cần được chứng minh trong toàn chuỗi, từ khâu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu", ông Đơ bày tỏ.

4 yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải tuân thủ theo EUDR, gồm có vị trí tọa độ thửa đất canh tác, có bản đồ ranh giới rừng tại thời điểm 31/12/2020 và thời điểm đánh giá (rừng định nghĩa theo FAO), kiểm tra dữ liệu bằng ảnh vệ tinh đa thời gian (không gian) và truy xuất sản phẩm hàng hóa đến vị trí địa lý lô canh tác (thông tin gồm chủ sản xuất, năng suất, sản lượng, chủng loại sản phẩm…).  

Sản xuất nông lâm kết hợp, theo EUDR, là có nguy cơ gây mất, suy thoái rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Sản xuất nông lâm kết hợp, theo EUDR, là có nguy cơ gây mất, suy thoái rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Với vai trò là nền tảng để đánh giá EUDR cho các ngành hàng, lĩnh vực lâm nghiệp đã cung cấp thông tin đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua kết quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về rừng (FCPF, LEAF/Emergent), Tuyên bố Glasgow, VPA/FLEGT…Đồng thời, lĩnh vực lâm nghiệp cam kết cung cấp cơ sở dữ liệu về ranh giới rừng để phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Điểm thuận lợi cho Việt Nam khi thích ứng EUDR là từ năm 2014, rừng tự nhiên đã được đóng cửa, dừng khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đã quen với Quy chế gỗ 995/2010 của EU, cùng tham gia thực thi VPA /FLEGT, thỏa thuận gỗ với Hoa Kỳ. Thêm vào đó, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững tăng nhanh, dự kiến sớm đạt 1 triệu ha.

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng vấp phải thách thức về cơ sở dữ liệu. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC), tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam khoảng 60%, gấp rưỡi so với con số mà Việt Nam thông báo (hơn 42%). Nguyên do bởi EU tính gộp cả phần diện tích của cây che bóng, cây ăn quả, các cây công nghiệp trồng xen. "Công bố của JRC có thể là căn cứ để EU đánh giá khả năng thích ứng EUDR của Việt Nam", ông Đơ nhấn mạnh.

Một khó khăn nữa là vấn đề truy xuất nguồn gốc với những sản phẩm phối trộn nguyên liệu như viên nén gỗ, dăm gỗ. Đây là yêu cầu khó, bởi mùn cưa, phoi bào của viên nén, dăm gỗ đến từ rất nhiều cơ sở khác nhau.

Hệ thống thử nghiệm cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm. Ảnh: Bảo Thắng.

Hệ thống thử nghiệm cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm. Ảnh: Bảo Thắng.

Chờ hướng dẫn chi tiết của EU

Bà Regina Ecker, Giám đốc GIZ Việt Nam thông tin, thời gian qua có nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất, kiến nghị có những hướng dẫn chi tiết thực hiện EUDR. Bên cạnh đó, có ý kiến mong muốn sử dụng những chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền về việc thực hành tốt, hoặc không gây mất rừng, suy thoái rừng.

Tuy nhiên, việc cấp chứng nhận chỉ là một yếu tố để EU xem xét quá trình tuân thủ EUDR, cũng như hỗ trợ đánh giá rủi ro, theo bà Ecker. "Các thành viên trong chuỗi cung có thể sử dụng các chương trình, hệ thống chứng nhận nhưng vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm về bất kỳ vi phạm nào", Giám đốc GIZ nói.

Tổng hợp các ý kiến, Cục trưởng Trần Quang Bảo cam kết sẽ phản hồi những khó khăn trong việc thực thi EUDR với phía EU, đồng thời chia sẻ các kế hoạch mà Việt Nam đã triển khai thực hiện. Trong thời gian chờ EU ban hành những hướng dẫn chi tiết về EUDR, Cục Lâm nghiệp sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để chứng minh việc tuân thủ các quy định không gây mất rừng, cũng như phân loại, xác định từng khu vực rủi ro trên cả nước.

"EUDR quy định sản phẩm xuất khẩu phải có tọa độ địa lý nhưng Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật nào về vấn đề này. Đây chỉ là một trong những vấn đề mà Cục Lâm nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về lâm nghiệp, cũng như tổ chức những buổi tập huấn, nâng cao năng lực thực thi cho doanh nghiệp và chuỗi cung", ông Bảo khẳng định.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thống kê, hiện có khoảng hơn 3.200 doanh nghiệp có liên quan tới việc xuất khẩu gỗ sang EU. Đây là một số lượng rất lớn, vì thế ông Phúc đề xuất Cục Lâm nghiệp phối hợp các hiệp hội gỗ và sản phẩm gỗ tổ chức một mạng lưới thông tin, để các bên có thể tận dụng nguồn lực lẫn nhau, nhanh chóng thông tin một cách rộng rãi các quy định của EUDR tới doanh nghiệp.

Bình luận