Khai mở tiềm năng du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn

Bình luận · 71 Lượt xem

Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi bật và mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Mường vẫn đang được gìn giữ.

Vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 120 km về phía tây, Vườn quốc gia Xuân Sơn (VQG Xuân Sơn) được biết đến không chỉ là một trong 15 VQG lớn nhất Việt Nam mà còn đặc trưng bởi cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học được đánh giá vào loại bậc nhất của khu vực Bắc bộ.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên 15.048 ha nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng thuộc huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).

Đây cũng là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với diện tích hơn 2.400 ha, độ cao từ 700 m - 1.300 m. Tại đây, hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong Sách đỏ Thế giới. Cùng với đó là các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như voọc xám, vượn chó, cầy bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,... các loài chim như gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,...

Ngoài sức hấp dẫn của hệ động, thực vật phong phú, Vườn quốc gia Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với 3 đỉnh núi cao trên 1.000 m là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang cùng nhiều thác nước có độ cao trên 50 m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện giữa màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Ngoài lợi thế về cảnh quan thì thời tiết tại đây cũng rất dễ chịu. Buổi sáng là mùa xuân trong lành, buổi trưa là mùa hè ngập nắng, buổi chiều là tiết thu mát mẻ còn buổi tối là mùa đông se lạnh. Vì vậy, gần như thời điểm nào trong năm khách du lịch cũng có thể đến đây để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên.

Vùng lõi của VQG Xuân Sơn là mái nhà chung của 327 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường và Dao. Ảnh: Quang Dũng.

Vùng lõi của VQG Xuân Sơn là mái nhà chung của 327 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường và Dao. Ảnh: Quang Dũng.

Phát triển du lịch trong vùng lõi Vườn quốc gia

Xuân Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, cũng là xã duy nhất nằm trong vùng lõi của VQG Xuân Sơn. Hiện nơi đây là mái nhà chung của 327 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường và Dao.

“Do có vị trí địa lý rất đặc thù nên trong những năm qua, chính quyền xã Xuân Sơn đã định hướng bà con phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng. Đó cũng là hướng đi xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con nhân dân trong thời gian tới”, bà Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn chia sẻ.

Hiện bà con nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình từ trang phục, lễ hội đến các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng... Cùng với đó, du khách đến với VQG Xuân Sơn sẽ được thưởng thức nhiều sản vật, các món ăn đặc sắc của địa phương như gà nhiều cựa, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt chua, rau sắng, cá suối…

Theo thống kê của UBND xã Xuân Sơn, bình quân mỗi năm lượng khách du lịch đến VQG là hơn 10.000 lượt. Con số này cũng cho thấy tiềm năng, lợi thế của việc phát triển du lịch tại địa phương. Chính quyền cùng với Ban quản lý VQG Xuân Sơn cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, nhất là khách du lịch không xâm hại đến rừng, không xả rác bừa bãi, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại vườn quốc gia.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch của VQG Xuân Sơn cũng ngày càng được quan tâm đầu tư, các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét hơn. Nhờ đó, điểm du lịch này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, đồng thời khai thác được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này.

Bình luận