Cây trồng chủ lực giúp cải thiện đời sống người nghèo

Bình luận · 198 Lượt xem

Xác định chè là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân, thời gian qua, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân

Định Hóa là địa phương có diện tích chè đứng thứ 4 của tỉnh, với gần 3.000 ha (sau các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương). Từ nhiều năm nay, chè đã được chọn là cây trồng chủ lực, với sự tham gia của các HTX và tổ hợp tác, phát triển theo hướng sạch, đạt chuẩn GAP và hữu cơ.

"Điểm tựa" giảm nghèo, làm giàu

Được thành lập từ năm 2018 với 9 thành viên, nhằm liên kết các hộ dân cùng sản xuất chè theo hướng nâng cao giá trị. Đến nay, mỗi tháng, HTX nông sản Phú Đạt, xã Sơn Phú cung ứng ra thị trường trên 2 tấn chè búp khô được sản xuất theo quy trình VietGAP. Doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện HTX đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Qua đó, thương hiệu chè Phú Đạt nói riêng và chè Định Hóa nói chung ngày càng được khẳng định, sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ.

-4606-1698117779.jpg

Cây chè thực sự là cây trồng chủ lực giúp người dân Định Hóa vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông sản Phú Đạt, chia sẻ: "Chúng tôi có vận động, tuyên truyền cho bà con sản xuất theo hướng VietGAP. Từ khi sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP của tỉnh Thái Nguyên, bà con rất phấn khởi. Là sản phẩm chè đầu tiên của huyện Định Hóa được chứng nhận, do đó bà con cũng có động lực để chăm sóc, sản xuất theo đúng quy trình, sau nữa là giá trị sản phẩm chè của bà con được nâng lên".

Hiện nay, xã Sơn Phú có trên 320ha chè, là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Định Hóa. Trong tổng số trên 1.400 hộ dân của xã thì có đến gần 80% các hộ có thu nhập từ cây chè. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ tích cực đưa các giống chè lai vào trồng thay thế diện tích chè trung du già cỗi và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất chè của địa phương tăng mạnh, sản lượng ước đạt 3.380 tấn/năm.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú đánh giá, những gia đình làm chè có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm ở Sơn Phú giờ đây không hiếm. Cây chè có đóng góp tích cực vào đời sống của người dân, qua đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 30% (năm 2015) xuống còn 2,55% (đến hết năm 2022).

Làm giàu theo tiêu chuẩn VietGAP

Tại xã Phú Đình, diện tích chè hiện nay là 227ha, trong đó có 210ha chè kinh doanh, bước đầu đã hình thành được các HTX, tổ hợp tác để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè.

Địa phương hiện có gần 30ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trên 95% diện tích được trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Việc mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ đang là điều trăn trở của người dân nơi đây.

Gia đình anh Đỗ Văn Tứ, ở xã Phú Đình làm chè đã được 3 đời. Sống trên đất chè, nguồn thu nhập cũng từ cây chè đem lại với sản lượng khoảng 8 tạ/năm.

Song, để thật sự đem lại hiệu quả, thay đổi chất lượng cuộc sống thì phải từ khi anh cùng một số thành viên lập nên HTX Chè Phú Thịnh nằm trong Làng nghề chè truyền thống Phú Ninh.

Cũng từ đây, việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất chè an toàn mới được các thành viên trong HTX chú trọng. Anh Đỗ Văn Tứ chia sẻ: "Với gia đình tôi cây chè là cây chủ lực, đến nay đã góp phần phát triển kinh tế gia đình ổn định, bền vững".

Ông Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX chè Phú Thịnh chia sẻ, trước đây người dân sản xuất chè tự phát, mạnh ai nấy làm, người dân trồng những giống cũ, sản phẩm là chè búp tươi bán cho các thương lái nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp.

Sau khi được thành lập, HTX đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín trong nước; liên kết với một số cơ quan, tổ chức cung ứng những giống chè mới có năng suất, chất lượng thay thế giống chè cũ, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

-1400-1698117779.jpg

Chè đã được chọn là cây trồng chủ lực, với sự tham gia của các HTX và tổ hợp tác, phát triển theo hướng sạch, an toàn.

Hiện sản phẩm của HTX chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các thành viên được nâng lên. Người dân đã coi chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Ðể cây chè phát triển bền vững

Với những chính sách hỗ trợ phát triển cây chè hiệu quả, giá trị kinh tế của cây chè ở Định Hóa đã được nâng lên rõ rệt, huyện đang tập trung đầu tư để tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè của địa phương.

Trong năm 2023, địa phương phấn đấu có thêm từ 2-3 sản phẩm chè của các HTX đạt chứng nhận OCOP. Để phát triển thương hiệu chè ở vùng đất khó này, rất cần sự tiếp tục quan tâm của các cơ quan chuyên môn và sự thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất chè.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa đã hình thành 19 làng nghề chè đặc sản nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề chè Quỳnh Hội, xã Trung Hội; làng nghề chè Sơn Thắng, làng nghề chè Phú Hội, xã Sơn Phú; làng nghề chè Phú Ninh 1, 2, 3, xã Phú Đình… Việc phát triển các làng nghề chè cùng với chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các làng nghề chè trong huyện đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng chè búp tươi của huyện năm 2022 đạt 28.950 tấn (tăng gần 5.000 tấn so với 5 năm trước đây). Toàn huyện đã có 364ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, trên 50ha đang bắt đầu chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ…

Với những chính sách hỗ trợ phát triển thích hợp, hiệu quả, giá trị kinh tế của cây chè ở Định Hóa đã được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Huyện đang tập trung đầu tư để tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè của địa phương. Hiện nay, huyện đã có 3 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có giá bán từ 300-500 nghìn đồng/kg.

Xác định cây chè là cây trồng thế mạnh, một trong những nông sản chủ lực, huyện đã tập trung phát triển cây chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ phát triển cây chè, nhiều hộ dân ở Định Hóa đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Bình luận