Rào cản trong phát triển du lịch dưới tán rừng

Bình luận · 42 Lượt xem

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), việc phát triển du lịch dưới tán rừng hiện vẫn còn nhiều rào cản cần sớm được tháo gỡ.

Rào cản trong phát triển du lịch dưới tán rừng

Vườn quốc gia Xuân Sơn (VQG Xuân Sơn) là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi điển hình của miền Bắc Việt Nam có hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng với 365 loài động vật; 726 loài thực vật bậc cao. Có dịp đặt chân đến đây, du khách sẽ được vào rừng tìm hiểu về hệ sinh thái với núi đá vôi, hang động, thác nước, sông suối…

Bên cạnh đó, trong vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Sơn còn có 2 cộng đồng người dân tộc đang sinh sống là dân tộc Dao và Mường. Hiện bà con vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc từ trang phục, lễ hội đến các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày cùng với nhiều món ăn đặc sắc như gà nhiều cựa, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt chua…

Tuy vậy, VQG Xuân Sơn vẫn đang gặp phải rất nhiều rào cản trong việc phát triển du lịch dưới tán rừng. Theo ông Trần Ngọc Cường , Giám đốc VQG Xuân Sơn, điều đầu tiên phải nói tới là các cơ chế, chính sách cho các vườn quốc gia hiện nay còn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, giao thông kết nối cũng là một vấn đề lớn khiến lượng du khách quay lại lần thứ 2 vẫn còn ở mức khiêm tốn.

“Rào cản nữa là bà con cũng như những người làm du lịch cộng đồng tại địa phương vẫn chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới chất lượng phục vụ du khách còn chưa cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở lưu trú như mô hình homestay cũng đang thay đổi theo hướng hiện đại như ở dưới xuôi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ làm mất đi bản sắc của đồng bào dân tộc tại VQG Xuân Sơn”, ông Cường phân tích.

Cùng chung sự lo lắng về phát triển du lịch tại địa phương, bà Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (nằm trong vùng lõi của VQG Xuân Sơn) nêu ý kiến, khách du lịch đến đây trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 9, tập trung chủ yếu vào các ngày nghỉ lễ. Do đó, việc khách lưu trú tại các homestay có những lúc quá tải, kéo theo chất lượng phục vụ khó có thể đảm bảo được. Bên cạnh đó, một bộ phận du khách còn chưa có ý thức đảm bảo môi trường, vẫn có tình trạng xả rác bừa bãi gây khó khăn trong việc xử lý.

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến vườn quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: Quang Dũng.

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến vườn quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: Quang Dũng.

Tháo gỡ nút thắt 

Mới đây, ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Một trong những điểm mới của Nghị định là việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng.

Về vấn đề trên, ông Trần Ngọc Cường kỳ vọng, đó sẽ là giải pháp căn cơ để phát triển tiềm năng du lịch của vườn quốc gia. Đồng thời, lãnh đạo VQG Xuân Sơn cũng mong muốn đề án của đơn vị sớm được phê duyệt. Từ đó có cơ sở để kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng hành, chung tay khai thác du lịch song song với phát triển bền vững VQG Xuân Sơn nói riêng và các vườn quốc gia nói chung.

Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình khuyến nông, phát huy giá trị các loại nông sản bản địa cũng cần được quan tâm hơn. Đặc biệt là mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển cây, vật nuôi đặc sản…để cung cấp cho du khách.

“Tới đây chúng ta sẽ triển khai việc lưu trữ tín chỉ các bon rừng, cộng với phần hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng. Lúc đó sẽ có 3 đến 4 nguồn thu trên một diện tích rừng. Từ đó, giúp người dân trên địa bàn có thêm việc làm và thu nhập, ngược trở lại thì bà con cũng sẽ nâng cao ý thức bảo vệ những cánh rừng xanh như bảo vệ chính ngôi nhà của mình”, lãnh đạo VQG Xuân Sơn chia sẻ.

Bình luận