Long An có 6 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bình luận · 88 Lượt xem

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Long An chú trọng hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; cấp 750.000 tem truy xuất quét mã QR. Đến nay, đã xây dựng được 35 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản, nông sản khác; phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi (thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối); hướng dẫn, hỗ trợ 21 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử (2.511.000 con tem) truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.

Trong công tác cấp mã số vùng trồng (MSVT) và mã số cơ sở đóng gói, toàn tỉnh có 294 lượt MSVT với tổng diện tích trên 14.121ha xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Châu Âu, Nga, Anh, Trung Quốc. Trong đó, thanh long 229 mã số, chanh 41 mã số, dưa hấu 13 mã số, sầu riêng 5 mã số, xoài 2 mã số, chuối 2 mã số, khoai lang 1 mã số, mít 1 mã số. Bên cạnh đó, còn 11 lượt MSVT đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật nhưng chưa được cấp mã số đối với các sản phẩm: Chanh, sầu riêng, khoai lang; 1 lượt mã số sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến, có báo cáo khắc phục và đang chờ kết quả.

Toàn tỉnh có 161 mã cơ sở đóng gói đang hoạt động, trong đó: Thanh long 105 mã; chanh 31 mã; chuối 1 mã; chuối, mít, sầu riêng, xoài là 21 mã và khoai lang 3 mã.

Bên cạnh đó, tính đến nay, đã hỗ trợ cho 119 cơ sở sản xuất nông sản chứng nhận VietGAP với tổng diện tích trên 2.619ha (2.238 hộ dân), sản lượng 65.108 tấn sản phẩm/năm, 588.000 con gà đẻ, 1.113 con bò thịt, 100 bò giống và 250 heo nái, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,5 tỉ đồng.

Với việc triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, tỉnh đã thực hiện 1 lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (FFS-IPM) trên cây rau cho 30 nông dân ở huyện Cần Giuộc; 1 lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (FFS-IPM) trên cây chanh cho 30 nông dân tại huyện Bến Lức. Ngoài ra, còn thực hiện 4 bài tuyên truyền về kết quả Chương trình IPM trên Báo Long An./.

T.H

Bình luận