27 xã tại Nghệ An trống nhân viên thú y không chuyên trách

Bình luận · 206 Lượt xem

Nghệ An có tỷ lệ chăn nuôi nông hộ lớn nên cần phải có bộ phận thú y riêng biệt tại các xã làm chân rết nhưng nhiều đơn vị tìm mãi không ra.

Ngày 9/12/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn.

 

Theo đó, mỗi xã được bố trí 1 người làm công tác thú y hoạt động không chuyên trách, được hưởng chế độ phụ cấp hệ số từ 1,1-1,25 mức lương cơ bản.

 

Chức danh thú y xã được tuyển dụng phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định 84/2014/QĐ-UBND ngày 4/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành về tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, quản lý, sử dụng và chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 5/8/2016 của Bộ NN-PTNT về tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn.

 

Ghi nhận đến tháng 10/2023, Nghệ An vẫn chưa hoàn tất nội dung này. Tính ra, mới có 433 phường/xã bố trí được người phù hợp (đạt tỷ lệ 94%), còn lại 27 xã vẫn đang mỏi mắt tuyển dụng (tỷ lệ 5,9%), tập trung tại các huyện Yên Thành (14 xã), Hưng Nguyên (7 xã), Nghi Lộc (2 xã), Diễn Châu (1 xã), Con Cuông (3 xã).

 

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định: “Những xã không bố trí được cán bộ thú y nhìn chung làm nảy sinh nhiều vấn đề bức bách, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vacxin, kiểm soát soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y”.

 

Qua tìm hiểu được biết, có nhiều rào cản khiến tiến độ bị chững lại, trong đó yêu cầu tuyển dụng có phần khắt khe thái quá là một trong những nguyên nhân chính. Thứ nhất là tiêu chí “tuyển dụng lần đầu không quá 40 tuổi”, quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 4 của Quyết định số 84/2014/QĐ-UBND. Trên thực tế, không có nhiều thú y xã đáp ứng tiêu chí về độ tuổi cũng như đòi hỏi tiêu chuẩn lành nghề, hoạt động lâu năm.

 

Tiếp đó là nút thoắt tại Khoản 1, Điều 3 của Quyết định 84/2014/QĐ-UBND yêu cầu người dự tuyển phải có hộ khẩu tại xã tuyển dụng, sự thể trái khoáy chẳng khác nào “vẽ vòng lại dẫm phải vòng”, bởi lẽ có những trường đáp ứng được độ tuổi, bằng cấp tại các xã khác nhưng chung quy vẫn không đủ chỉ tiêu.

 

Thứ nữa, quy định về bằng cấp được thể hiện tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05/8/2016 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, yêu cầu phải đảm bảo trình độ trung cấp trở lên của một trong các chuyên ngành về thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản; có trình độ sơ cấp trở lên đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Chưa hết, tại Khoản 2, Điều 4, Quyết định 84/2014/QĐ-UBND cũng thể hiện nội dung: “Trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông. Ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên”.

 

Đây thực sự là điều đáng tiếc, lý do là người tham gia tuyển dụng dù không có bằng trung học phổ thông, hoặc không đáp ứng được nhu cầu về học vấn nhưng họ đã từng làm thú y xã, có kinh nghiệm và năng lực làm nghề thú y.

 

Ngoài ra, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở một số xã, phường, thị trấn vượt tổng định biên (tại Khoản 1, Điều 2, Nghị Quyết 22/2019/NQ-HĐND); một số xã do sát nhập hành chính nên chưa được bố trí ngân sách để chi trả cho thú y xã (tại Điều 9, Quyết định số 84/2014/QĐ-UBND) cũng là nguyên do khiến nút thắt chưa được tháo gỡ hoàn toàn.

 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021, cơ quan chuyên môn và các địa phương trên địa bàn Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các bên liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí tuyển chọn nhân viên thú y xã theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

 

Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Nghệ An chiếm khoảng 60-70% tổng đàn vật nuôi của tỉnh, hình thức nuôi không đảm bảo các tiêu chí, điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, việc bố trí người phụ trách công tác thú y tại các xã làm hệ thống chân rết, cầu nối giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành là điều thực sự cấp thiết.

Bình luận