Người nuôi tôm hùm bông điêu đứng

Bình luận · 91 Lượt xem

Hàng trăm tấn tôm hùm bông của Việt Nam ứ đọng do không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, nhiều ngư dân điêu đứng.

Trung Quốc chiếm 90% sản lượng xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cách đây hơn 1 tháng.

Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu đối với tôm hùm bông

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT, những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc đối với việc nhập khẩu tôm hùm bông bắt đầu từ ngày 1/2/2021.

Tôm hùm là sản phẩm chủ lực của ngành nuôi biển nước ta. Việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông khiến ngư dân lao đao. 

Tôm hùm là sản phẩm chủ lực của ngành nuôi biển nước ta. Việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông khiến ngư dân lao đao. 

Qua đó, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành năm 2021. Đối với tôm hùm bông tự nhiên, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch, buôn bán. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên.

Vướng mắc lớn nhất trong xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm nguy cấp và các thủ tục chứng minh quá trình nuôi trồng.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty BMC Việt Nam, đơn vị đồng hành cung cấp giải pháp phòng trị bệnh cho bà con vùng nuôi tôm hùm xuất khẩu tại tỉnh Phú Yên.

Theo ông Vinh, để tôm hùm vào lại được thị trường “khó tính” này, cần đảm bảo các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương và sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, thú y địa phương kiểm tra chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi.

Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.

Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.

Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, sẽ phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Theo đó, đối với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nước ta chưa chủ động được giống tôm bùm bông và theo yêu cầu của Trung Quốc con giống phải là thế hệ F2. Như vậy có thể Việt Nam sẽ phải chấm dứt việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc.

Chỉ mong ‘vớt vát’ đồng vốn

Trung Quốc là thị trường chính xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Như vậy, việc Trung Quốc thay đổi quy định về nhập khẩu khiến cho người dân nuôi tôm hùm bông gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

Tôm hùm bông đứng đầu về giá trị kinh tế trong nhóm các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, không xuất bán được tôm hùm bông cũng đồng nghĩa các vùng nuôi rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, kéo theo những khoản nợ chất chồng trong chuỗi từ sản xuất cho đến thu mua và cung ứng tôm hùm ra thị trường.

Anh Trần Văn Thơ là một ngư dân có hơn 20 năm nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Anh Thơ nuôi 150 lồng tôm hùm trong đó có 50 lồng tôm hùm bông. Hiện tôm hùm bông của anh Thơ đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được. Nhiều ngư dân như anh Thơ vô cùng lo lắng, thậm chí muốn bán tôm rẻ lấy lại chút vốn cũng rất khó khăn.

“Từ ngày Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông, khiến dân chúng tôi điêu đứng. Bây giờ, các hộ nuôi tôm phải tạo điều kiện để hợp tác xã giải cứu. Tôm hùm được vận chuyển, tiêu thụ thị trường trong nước, vào nhà hàng để phân phối. Trước đây, một ngày tiêu thụ từ 2-3 tấn tôm hùm bông, bây giờ mong muốn bán vội để đủ tiền giống hoặc lỗ chứ không chờ đợi một đồng lãi nào cả”, anh Thơ chua xót chia sẻ.

Tôm hùm có vai trò rất lớn, là sản phẩm chủ lực cho ngành nuôi biển của nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn tôm hùm giống. Bên cạnh đó những thay đổi trong luật nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc khiến bài toán về xuất khẩu tôm hùm của nước ta càng trở nên nan giải.

Trước thực trạng trên, Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương cần có hướng giải pháp để tháo gỡ và phát triển được ngành nuôi tôm hùm bền vững trong thời gian sắp tới.

Bình luận