Rice Eco tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm phát thải

Bình luận · 76 Lượt xem

KIÊN GIANG Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco, giúp di chuyển rơm ra khỏi ruộng, giảm khí thải các bon, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa

Sáng 21/2, tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Mô hình trình diễn trồng nấm rơm được thực hiện tại hộ nông dân Nguyễn Văn Tài Em (xã Minh Hòa), thuộc Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco do IRRI hỗ trợ triển khai.

Các học viên tham dự buổi Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Ảnh: Trung Chánh.

Các học viên tham dự buổi Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Ảnh: Trung Chánh.

Theo IRRI, Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo nhiều, riêng khu vực ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 25 - 26 triệu tấn lúa, đồng thời tạo ra lượng rơm rạ khoảng 30 triệu tấn. Tuy nhiên, ước tính hiện mới chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ được thu gom đưa ra khỏi đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa, phục vụ cho các mục đích như trồng nấm rơm, phủ gốc cây, làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò… Phần lớn lượng rơm rạ còn lại được nông dân đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, làm mất dinh dưỡng và gây ô nhiễm môi trường hoặc cày vùi rơm vào ruộng ngập nước gây tăng phát thải khí nhà kính.

Bà Trần Thị Cẩm Nhung, điều phối viên Dự án Kinh tế tuần hoàn từ rơm của IRRI cho biết, mục đích của dự án là nhằm nâng cao chuỗi giá trị rơm rạ, tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có trên đồng ruộng để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh nấm rơm và phân hữu cơ. Từ đó, tạo ra việc làm, tăng thu nhập từ lúa gạo và giảm lượng khí thải các bon. Trong khuôn khổ dự án Rice Eco, các hoạt động được xây dựng hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững. Không đốt rơm để tránh mất dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học và đảm bảo tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất lúa gạo.

Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco, giúp di chuyển rơm ra khỏi ruộng, giảm khí thải các bon, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco, giúp di chuyển rơm ra khỏi ruộng, giảm khí thải các bon, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phạm Văn Ẩn, Phó Trưởng phòng Phòng Khuyến nông, Trồng trọt và Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, riêng tại Kiên Giang, mỗi năm diện tích gieo trồng lúa là hơn 700.000ha, sản lượng thu hoạch từ 4,4 - 4,5 triệu tấn/năm. Ước tính lượng rơm rạ thải ra sau các mùa vụ thu hoạch lúa là từ 4,5 - 5 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có một lượng nhỏ rơm rạ được thu gom để sử dụng vào các mục đích trồng nấm rơm, phủ liếp trồng rau mùa. Thời gian qua, Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cả ngoài trời và trong nhà cho nông dân nhưng việc nhân rộng còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là thiếu công nghệ để thu gom rơm rạ sau thu hoạch, lao động hạn chế, giá trị kinh tế của rơm rạ thấp, thiếu kiến thức về quản lý rơm rạ bền vững và giá trị gia tăng. Cách thức mà nông dân lựa chọn chính là đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch hoặc nếu gặp mưa ướt, ngập nước thì cày vùi vào đất để tự phân hủy. Đây là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng để lại nhiều tác động đến môi trường và các vấn đề sức khỏe con người liên quan đến khói bụi. Đặc biệt là làm gia tăng phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu.

Tạo việc làm và tăng thu nhập

Mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Tài Em, với 800 cuộn rơm thu từ vùng sản xuất lúa – tôm.

Ông Nguyễn Văn Tài Em cho biết, gia đình có khu nhà lưới rộng 640m2, chủ yếu được sử dụng trồng ớt. Việc chuyển sang trồng nấm rơm không chỉ giúp đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập mà còn tạo điều kiện luân canh mùa vụ, giảm sâu bệnh cho cây ớt. Đặc biệt là nguồn rơm mục sau trồng nấm sẽ được thu gom, phối trộn thêm bụi sơ dừa, phân bò để tạo nguồn phân hữu cơ trồng ớt vụ tiếp theo. 

Thu hoạch nấm rơm từ mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm do IRRI phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Thu hoạch nấm rơm từ mô hình trình diễn trồng nấm rơm và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm do IRRI phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Kỹ thuật trồng nấm rơm được GS.TS Lê Vĩnh Thúc, Trưởng khoa Khoa học Cây Trồng, Trường Nông nghiệp - Đại Học Cần Thơ trực tiếp hướng dẫn, từ quy trình ủ rơm, chất rơm thành dòng, cấy meo và chăm sóc để nấm phát triển, thu hoạch…

Theo GS.TS Lê Vĩnh Thúc, nấm rơm có thể được trồng dưới bóng râm thoáng mát (sân vườn quanh nhà), trồng dưới ánh sáng trực tiếp như nền ruộng, đất liếp trồng rau màu. Tuy nhiên, yêu cầu nơi trồng phải thoát nước tốt khi tưới hay trời mưa. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên đầu tư làm nhà trồng nấm để hạn chế những tác động bất lợi của môi trường.

Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco do IRRI hỗ trợ thực hiện nhằm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Theo đó, cần nhìn nhận rơm không phải là phế phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo mà là nguồn nguyên liệu sản xuất ra các mặt hàng có giá trị. Vì vậy, việc đốt bỏ rơm rạ gây lãng phí tài nguyên, làm mất chất dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường và tác động đến sự đa dạng sinh học. Còn cày vùi rơm rạ thô trong ngập nước gây phát thải khí CH4.

Từ nghiên cứu của IRRI cho thấy, rơm có nhiều giá trị sử dụng như làm nguyên nguyên liệu để sản xuất nhựa sinh học thân thiện với môi trường, phục vụ rất hiệu quả cho nông nghiệp đô thị, như sản xuất chậu ươm cây cây rơm, chậu trồng cây để văn phòng. Rơm được thu gom để che phủ trong trồng trọt thay thế màng phủ nông nghiệp, làm chất độn trong vận chuyển, bảo quản nông sản. Sản xuất các sản phẩm từ rơm như trồng nấm rơm, làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón hữu cơ sinh học. Việc thu gom rơm rạ còn tạo ra việc làm từ chế tạo máy móc, thiết bị, dịch vụ cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, thương mại từ rơm.

Riêng đối với trồng nấm rơm, nếu trồng trực tiếp ngoài trời nông dân không tốn nhiều chi phí nhưng năng suất thấp, đạt khoảng 80kg nấm tươi/1 tấn rơm. Còn nếu có điều kiện, nông dân nên đầu tư làm nhà trồng nấm trên dàn, năng suất nấm đạt từ 150 – 200 kg/1 tấn rơm. Giá nấm tươi hiện nay thương lái thu mua từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Trồng nấm rơm trong nhà màng hạn chế được các yếu tố khách quan về thời tiết như nắng, mưa, nhiệt độ, ẩm độ và lượng gió... Từ đó, có thể chủ động mùa vụ trồng, sau trồng nấm có thể vệ sinh tập trung, kiểm soát được nền đất trồng, bã nấm rơm sau thu hoạch có thể bón lại nền đất trồng cung cấp chất dinh dưỡng khi luân canh với cây trồng khác.

Các học viên là cán bộ khuyến nông cộng tham gia lớp tập huấn được cấp giấy chứng nhận, trở thành giảng viên nguồn đi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình trồng nấm rơm ở các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Các học viên là cán bộ khuyến nông cộng tham gia lớp tập huấn được cấp giấy chứng nhận, trở thành giảng viên nguồn đi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình trồng nấm rơm ở các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Cấp chứng nhận kỹ thuật trồng nấm rơm cho khuyến nông cộng đồng

Dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm - Rice Eco do IRRI phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện không chỉ xây dựng mô hình trình diễn trồng nấm rơm tại nông hộ, mà còn kết hợp đào tạo tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho cán bộ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang và các nông dân, hợp tác xã trong tỉnh nhằm áp dụng kỹ thuật trồng, tiếp cận thực tiễn canh tác nấm trong khu vực tỉnh.

Theo đó, trong thời gian gần 2 tháng của vụ trồng nấm rơm, các cán bộ khuyến nông tham gia sẽ được tập huấn về lý thuyết và thực hành theo quy trình của vụ trồng nấm rơm, từ kỹ thuật ủ rơm, chất dòng ụ rơm, cấy meo và chăm sóc để nấm phát triển, thu hoạch… Kết thúc khóa tập huấn, đã có 30 học viên là cán bộ khuyến nông cộng được cấp giấy chứng nhận kỹ thuật trồng nấm rơm, trở thành giảng viên nguồn đi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình trồng nấm rơm ở các địa phương trong tỉnh.

Bình luận