'Kề vai sát cánh' cùng người dân sản xuất cà phê bền vững

Bình luận · 89 Lượt xem

Các tổ khuyến nông cộng đồng ở Kon Tum đã ‘quyết liệt vào cuộc’ cùng với người dân, HTX, doanh nghiệp để từng bước tổ chức sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Bác sĩ của nhà nông

Khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) là một trong hai tổ cấp tỉnh của Kon Tum với nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người dân quy trình trồng chăm sóc cà phê bền vững.

Những ngày đầu tháng 7, như thường lệ các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn do anh Đới Văn Cương làm Tổ trưởng lại rảo bước trên những khu vườn nơi “thủ phủ” cà phê của huyện Đăk Hà. Dưới cái nắng chói chang, nhìn những vườn cà phê xanh tốt khiến anh Cương và các thành viên trong tổ càng thêm tự hào. Như vậy, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tổ khuyến nông cộng đồng của anh Cương đã bước đầu thu được “trái ngọt”, nhiều hộ dân trong vùng dần quen với mô hình canh tác cà phê bền vững.

Anh Đới Văn Cương cho biết, thành quả lớn nhất của tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian qua là đã kết nối được với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền để triển khai công tác trồng cà phê thông minh trên địa bàn 2 huyện Đăk Hà và Đăk Tô.

Bên cạnh đó, tổ khuyến nông cộng đồng cũng hỗ trợ cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng gần 600ha cà phê 4C của 460 hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2023, tiếp tục hỗ trợ mở rộng trong năm 2024. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng được tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ ký kết thỏa thuận hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C với 840 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

“Mục đích chính của tổ khuyến nông cộng đồng là hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân trên địa bàn. Trong năm 2022, tổ chức được 22 lớp tập huấn cho 840 lượt hộ nông dân tham gia, chủ yếu là hướng dẫn cho bà con canh tác cà phê chuẩn 4C, xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm”, anh Cương chia sẻ.

Anh Cương đang hướng dẫn gia đình ông Thụ cách bón phân hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Có hơn 1,5ha cà phê, thời gian qua gia đình ông Phạm Văn Thụ (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã nhận được sợ hỗ trợ từ rất nhiều từ tổ khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt trong năm 2024, gia đình ông Thụ còn được tổ khuyến nông cộng đồng kết nối và hỗ trợ hơn 2 tấn phân bón Bình Điền. Song song với đó, tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, bẻ chồi, bẻ cành để cây phát triển tốt cũng như cho năng suất, chất lượng quả vượt trội.

Ông Thụ cho biết, khi áp dụng kỹ thuật từ tổ khuyến nông, cùng với việc được hỗ trợ phân bón, vườn cà phê của gia đình xanh tốt, quả to hơn, nếu không gặp thiên tai thì vụ tới chắc chắn sẽ thắng lợi, năng suất tăng khoảng 20%.

“Gia đình tôi làm cà phê cũng lâu rồi nhưng so với kỹ thuật chăm sóc cà phê thì vẫn không thể bằng các kỹ sư của tổ khuyến nông cộng đồng. Nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn tổ khuyến nông cộng đồng chắc chắn cà phê sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều”, ông Thụ chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 4, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) được tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với Công ty Cổng phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ phát triển 1ha cà phê thuần. Theo đó, tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ kỹ thuật bón phân, chăm sóc vườn cây rất hiệu quả.

“Sau gần 1 năm được tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ, vườn cà phê bước đầu thấy xanh tốt, quả phát triển đều, dự kiến năng suất sẽ tăng hơn những năm trước”, ông Hùng chia sẻ.

Đáp ứng yêu cầu từ thực tế

Đánh giá về tổ khuyến nông cộng đồng, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cho biết, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh hàng hóa như hiện nay việc ra đời của các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp là rất cần thiết. Các tổ khuyến nông cộng đồng không chỉ có vai trò về kỹ thuật trồng và chăm sóc mà còn kết nối tiêu thụ sản phẩm theo một định hướng cụ thể. Nếu thực hiện theo đúng những kỹ thuật của tổ khuyến nông cộng đồng, việc sản xuất nông sản, đặc biệt là cà phê sẽ tăng khoảng 40%, thậm chí còn cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị thặng dư mang lại cho bà con nông dân cũng sẽ cao hơn.

Tổ khuyến nông cộng đồng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững tại huyện Đăk Hà. Ảnh: Tuấn Anh.

Bên cạnh những hiệu quả, ông Sáu cũng cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bằng chứng là các diện tích cà phê mang lại hiệu quả từ hoạt động của các tổ khuyến nông vẫn còn khá khiêm tốn. Các tổ khuyến nông cộng đồng cần chủ động và cụ thể hơn trong phương thức hoạt động. Trong đó, nhân sự tham gia các tổ khuyến nông cần phải thực sự tâm huyết, hướng dẫn từ thực tiễn chứ không phải lý thuyết, dẫn dắt người nông dân một cách dài hơi chứ không chỉ là thời vụ, không chỉ là những hội thảo đầu bờ.

Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, các tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp. Việc các tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập đã đáp ứng yêu cầu của thực tế, kết nối doanh nghiệp với các HTX và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là cà phê.

Thời gian qua, các tổ khuyến nông cộng đồng cũng đã phát huy được vai trò ở cơ sở như tham gia truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn vào cuộc sống. Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Khuyến nông cộng đồng đang phát huy tốt vai trò hỗ trợ người dân vùng sản xuất cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Các tổ khuyến nông cộng đồng cũng hỗ trợ phát triển trong các HTX và tổ hợp tác trong việc xây dựng nông thôn mới, từ đó có sự chuyển đổi về trình độ sản xuất nông nghiệp cho người nông dân. Qua đó, giúp tích hợp đa giá trị cũng như sản xuất bền vững cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động cho 2 tổ khuyến nông cộng đồng cấp tỉnh phát triển và nhân rộng vùng nguyên liệu cà phê, cây ăn quả, dược liệu đạt hiệu quả đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, bà Y Hằng khẳng định.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 73 tổ khuyến nông cộng đồng, với 614 thành viên tham gia. Trong đó, có 2 tổ khuyến nông cấp tỉnh và 71 tổ khuyến nông cấp xã. Trong hai năm qua, các tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện nhiều hoạt động khuyến nông như tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với bà con nông dân để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giúp nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.

Bình luận