Chợ nổi miền Tây 'nổi' theo cách nào?

Bình luận · 98 Lượt xem

Dù được địa phương nỗ lực để giữ gìn và phát huy nhưng chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) vẫn ngày một "chìm" dần. Có nên tiếp tục cố giữ chợ nổi bằng mọi giá hay chuyển sang hình thức nào khác phù hợp thời thế

 Ở chợ nổi Cái Răng, ghe cung cấp dịch vụ ăn uống ngày càng nhiều trong khi ghe trao đổi nông sản của thương hồ ngày một ít đi - Ảnh: C.Q.
Ở chợ nổi Cái Răng, ghe cung cấp dịch vụ ăn uống ngày càng nhiều trong khi ghe trao đổi nông sản của thương hồ ngày một ít đi - Ảnh: C.Q.

Từ sự kiện đại biểu HĐND TP Cần Thơ hỏi giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ "nghĩ gì" khi du khách chê chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe, vấn đề "chợ nổi nên như thế nào" đã được nhiều người dân quan tâm.

Càng nỗ lực giữ, chợ nổi càng... teo tóp

Có thể nói Cái Răng là chợ nổi duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long còn sầm uất và cũng là chợ nổi được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến. Chính vì vậy, TP Cần Thơ cũng xem đây là sản phẩm du lịch cần được bảo tồn và duy trì, phát triển.

Không phải đến bây giờ cơ quan hữu quan của TP mới thực hiện các giải pháp cứu chợ nổi khỏi "chìm", mà từ năm 2016, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng với phương án là giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ.

Sau khi đề án được ban hành, rất nhiều công việc đã được thực hiện để duy trì và phát triển chợ nổi độc đáo này. Tổng kết đề án này vào năm 2023, Sở VH-TT&DL Cần Thơ cho biết cơ quan chức năng đã thực hiện 10/13 hạng mục theo đề án.

Cụ thể, đã trang bị hai ghe thu gom rác, xây dựng cầu tàu chợ nổi, vận động xã hội hóa đầu tư một nhà vệ sinh công cộng, đầu tư sáu bè nổi bán trái cây, phục vụ ăn uống của du khách...

Đặc biệt, Cần Thơ cũng đang kêu gọi đầu tư nhà hàng nổi ven sông. Còn đối với trạm dừng chân chợ nổi, cơ quan chức năng đang có tờ trình xin đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đất thu hồi của Nông trường Sông Hậu (phía trên chợ nổi) để đầu tư xây dựng trạm dừng chân.

Cần Thơ cũng đã hỗ trợ cho vay ưu đãi các hộ kinh doanh ẩm thực, trái cây đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, sửa chữa ghe thuyền và đã tổ chức phát vay cho 498 hộ với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng...

Tuy nhiên, đến 2023, khi đánh giá sơ kết đề án này, cơ quan này cho biết chợ chỉ còn khoảng 200-250 ghe, giảm 50-60% so với thời điểm trước với lý do giao thông đường bộ phát triển, thương lái đưa xe đến tận nhà vườn, ít ai còn dùng ghe chở trái cây trên sông.

Cùng với đó là sự phát triển của các siêu thị hiện đại, phương thức giao thương thay đổi, cuộc sống của thương hồ ngày càng khó khăn nên người dân đã bỏ ghe, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.

 Ghe của thương hồ chợ nổi Cái Răng chuyên phục vụ khách du lịch lên trò chuyện và thưởng thức nông sản. Đây là loại hình mới ở chợ nổi này - Ảnh: C.Q.
Ghe của thương hồ chợ nổi Cái Răng chuyên phục vụ khách du lịch lên trò chuyện và thưởng thức nông sản. Đây là loại hình mới ở chợ nổi này - Ảnh: C.Q.

Chợ nổi thành sản phẩm du lịch, được không?

Trước thực trạng chợ nổi Cái Răng ngày càng "chìm" dù Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có nhìn nhận khác về chợ nổi và có động thái phát triển phù hợp hơn. Một trong số những giải pháp là kêu gọi đầu tư từ tư nhân.

Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ vừa được tổ chức, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu lưu ý rằng "thời thế" đã khác cả về thương mại (hình thành nhiều chợ trên bờ, trên mạng), đường bộ phát triển mạnh và an toàn giao thông thủy giờ cũng khác nên việc phát triển chợ nổi Cái Răng cần "nương" theo yếu tố này để đưa ra giải pháp cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia, người dân cũng cho rằng không thể giữ một chợ nổi "nguyên bản" được nữa mà cần có những thay đổi cho phù hợp hơn. Theo soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, về lâu dài nên tính tới chuyển dần chợ nổi Cái Răng sang chợ nổi với hình thức khác phù hợp.

Ông Hùng cho rằng hoàn toàn có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào chợ nổi để phát triển. Tuy nhiên, để khả thi và thành công, Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài. "Chẳng hạn, nhà đầu tư vào đây rồi mà đầu tư thêm các nhà bè dọc hai bên bờ có được không? Cái này cần có chính sách rõ ràng để họ đầu tư mà không vi phạm", ông nói.

Ông Martin Stiermann - giám đốc Công ty TNHH Stiermann - cho rằng "chợ nổi Cái Răng giờ đã khác trước", trong đó việc làm bờ kè hai bên đường với "quá nhiều bê tông" đã làm chợ nổi kém hấp dẫn, du khách tham quan ít đi.

Theo ông Martin Stiermann, du khách nước ngoài đến TP Cần Thơ 1-2 đêm, đến chợ nổi Cái Răng, nhưng sau đó thông qua mạng xã hội bày tỏ sự thất vọng về chợ nổi này. Nhiều du khách cho rằng chợ nổi không còn "chất miền Tây" như trước đây và nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn thu hút khách nước ngoài nữa.

"Đầu tư là tốt nhưng cần theo hướng mà du khách mong muốn", ông Martin Stiermann nói và cho rằng sau khi làm bờ kè, nhà hai bên bờ sông đã mất đi trong khi cái này rất được khách nước ngoài yêu thích.

"Có nên cho phép xây dựng lại theo kiến trúc nhà sàn miền Tây ở khu vực này để giữ được chất miền Tây sông nước? Hay ra quy định làm sao cho tàu đồng nhất như cách Hội An đã làm hoặc có thể trang bị áo bà ba cho người dân để buôn bán trên tàu", ông Martin Stiermann gợi ý.

* TS Trần Hữu Hiệp (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL):

 

Không giữ "nguyên bản", cũng không nên can thiệp thô bạo

Chợ nổi Cái Răng luôn là một điểm đến mong chờ của bất kỳ du khách nào đến miền Tây, là niềm tự hào của người Cần Thơ nói riêng và người đồng bằng nói chung, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.

Thực trạng "nổi - chìm" của chợ nổi đã rõ, vấn đề là làm gì để bảo tồn và phát triển di sản quốc gia này trước yêu cầu mới.

Yếu tố chính làm nên cái hồn và văn hóa chợ nổi là không gian đặc thù, văn hóa giao tiếp và hoạt động của thương hồ.

Sự xuất hiện hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử phát triển..., người dùng chỉ cần click chuột là dễ dàng mua sắm. Chưa kể, giao thông đường bộ, đường hàng không phát triển thì giao thông đường thủy giảm đi, chợ nổi mất dần lợi thế.

Nhưng mỗi phương thức giao thông có giá trị riêng. Có thể đi đường bộ, đường hàng không nhanh hơn, tiện nghi hơn nhưng du khách vẫn cần chợ nổi để tìm kiếm sự trải nghiệm đặc thù của vùng sông nước. Thương mại điện tử tiện ích hơn, nhưng người ta vẫn có nhu cầu đến chợ nổi, vì nơi đó còn những giá trị khác biệt và sức hấp dẫn của đời sống thật hơn không gian mạng.

Muốn bảo tồn và phát triển chợ nổi phải gắn được hai yếu tố kinh tế thương mại và văn hóa. Nếu như chỉ tiếp cận ở góc độ văn hóa, nhiều người xem đây là một gánh nặng để duy trì. Nhưng nếu chỉ coi trọng yếu tố thương mại, sẽ thiên lệch, mất đi "hồn cốt" của nó.

Do đó, phải nhìn chợ nổi suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nó. Từ kinh tế, văn hóa, sinh hoạt của người dân miền Tây Nam Bộ. Thấy được giá trị, ý nghĩa kinh tế văn hóa đó mới đầu tư tôn tạo, phát triển giữ gìn, chứ không phải nhìn thuần túy ở mặt kinh tế hay văn hóa.

Với sự phát triển của giao thông, thương mại, muốn chợ nổi có thể tồn tại và phát triển không thể giữ nguyên hoàn toàn như trước nhưng cũng không được can thiệp một cách thô bạo. Kết hợp được với yếu tố kinh tế thương mại, chợ nổi không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là một không gian phát triển tích hợp kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội.

Chợ nổi Cái Răng có thể quy hoạch là chợ đầu mối, kết hợp với hệ thống các làng nghề đóng ghe xuồng, làm bánh, nhà vườn của Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền... trở thành một quần thể gắn bó, kết tinh nhiều giá trị. Cần kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư phát triển chợ nổi Cái Răng.

Từ những yêu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và văn hóa bản địa kết hợp với các loại hình công nghiệp văn hóa, phục dựng những giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa trên nền tảng công nghệ hiện đại ngày nay như phim trường, bảo tàng, các điểm check-in...

Khi đó, du khách không bị nhàm chán khi đến chợ nổi chỉ là ngắm mấy chiếc ghe xuồng mua bán dạo trên một khúc sông, không còn cảnh chèo kéo khách hay sự tiếc nuối một chợ nổi xưa mất đi cái hồn, chợ nổi nay chỉ còn phần xác.

Cần một không gian phát triển mới với cách tiếp cận mới và cách làm mới để chợ nổi Cái Răng không "chìm".

Ngay sau khi tổng kết đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, UBND TP Cần Thơ tiếp tục thành lập Ban quản lý nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng, do ông Nguyễn Thực Hiện - phó chủ tịch UBND TP - làm trưởng ban.

Sở VH-TT&DL Cần Thơ cũng được UBND TP giao lập đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi này đến năm 2030. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ, cho biết đang phối hợp với UBND quận Cái Răng rà soát để tham mưu cho UBND TP Cần Thơ.

Theo CHÍ QUỐC - LÊ DÂN - MẬU TRƯỜNG/TTO

Bình luận