Phát triển HTX nông nghiệp thông qua trao đổi sản phẩm OCOP giữa các nước ASEAN
Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP
OCOP trên đất Tây Ninh [Bài 2]: Liên kết để vươn xa
Thực hiện kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ, gần một tháng qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng tỉnh Hà Tĩnh tập trung đi 12 huyện, thị xã, thành phố kiểm tra từ trang thiết bị máy móc, nhà xưởng, bao bì mẫu mã đến chất lượng các sản phẩm để có cái nhìn khách quan, đánh giá cẩn trọng khi phân hạng sản phẩm.
Theo đó, trong 48 sản phẩm đưa vào đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2023 có 41 sản phẩm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Cùng với đó, 6 huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà và Hương Khê đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm đã hết hạn sử dụng chứng nhận OCOP với 47 sản phẩm.
Kết quả, có 16 sản phẩm tiếp tục đạt chuẩn OCOP 3 sao; 14 sản phẩm không có đơn đề xuất đánh giá lại và xin không tiếp tục tham gia; 17 sản phẩm chưa có đề xuất hoặc chưa đủ điều kiện để đánh giá hoặc chưa đến thời vụ sản phẩm để tổ chức đánh giá.
Là một trong những sản phẩm được đánh giá cao trong lần phân hạng đợt 1 năm 2023, “hương trầm Thọ Nga” ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê hiện không chỉ tiêu thụ ở thị trường Hà Tĩnh mà còn phân phối sĩ cho các đầu mối ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội…
Theo chị Võ Thị Nga, chủ cơ sở, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay hướng đến những sản phẩm không hóa chất, an toàn với sức khỏe nên gia đình chị quyết định tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu dó trầm có trong vườn nhà và của bà con trong xã để đầu tư phát triển sản phẩm hương trầm Thọ Nga.
Cây dó trầm sau khi thu hoạch được sơ chế để lấy ra những phần gỗ trầm bên trong, gỗ trầm hương tiếp tục lựa chọn kỹ càng, phơi khô, xay nhuyễn, phối trộn theo công thức đặc biệt của cơ sở để tạo ra những thẻ hương trầm vô cùng đặc biệt. Loại nhang hương trầm được tạo thành từ bột gỗ trầm hương nguyên chất cùng với keo dính tự nhiên và lõi tăm để định hình nên an toàn cho người sử dụng.
“Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, nhang hương trầm còn đem lại mùi hương đặc biệt, tạo cảm giác thư giãn đầu óc, giải toả tinh thần cho người sử dụng. Thông qua việc đầu tư máy móc hiện đại và quy trình sản xuất khép kín, sản lượng và chất lượng hương trầm Thọ Nga bình quân tăng khoảng 40% so với trước khi tham gia Chương trình OCOP”, chị Nga chia sẻ.
Một sản phẩm khác cũng vừa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là “trà mầm ngũ cốc Dung Nguyễn”, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh. Sản phẩm này hướng đến tiêu chí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, chủ cơ sở cho rằng, hiện nay có nhiều sản phẩm ngũ cốc được bày bán trên thị trường, tuy nhiên nguồn gốc và chất lượng sản phẩm rất khó kiểm chứng. Việc cơ sở của chị đăng ký tham gia Chương trình OCOP là để tự răn bản thân phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Tất cả nguồn nguyên liệu (gạo lứt tẻ, gạo lứt tím, đậu đỏ, đậu đen, lá nếp, hoa nhài…) đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được ủ nảy mầm, sấy khô bằng các thiết bị máy móc hiện đại với sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Trước đây chưa đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất, sản lượng bình quân hàng năm của cơ sở chỉ đạt trên dưới 1,5 tấn/năm. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay sản lượng tăng lên đạt 2,3 – 3 tấn/năm; doanh thu từ 500 - 750 triệu/năm. Chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động với mức thu nhập ổn định”, chị Dung chia sẻ. Đồng thời thông tin, về lâu dài cơ sở sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vươn ra các tỉnh trên cả nước.
Lũy kế đến nay,Hà Tĩnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã đổi mới về bao bì, mẫu mã. Nhiều cơ sở đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.